Thành phố Nam Định tập huấn công tác lập danh sách cử tri, viết thẻ cử tri
Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo bầu
cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026
thành phố Nam Định, chiều 15/3/2021, UBND thành phố Nam Định tổ chức hội nghị tập
huấn hướng dẫn triển khai công tác lập danh sách cử tri, viết thẻ cử tri và một
số nội dung nghiệp vụ về công tác bầu cử. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo
phòng Nội vụ, phòng Tư pháp thành phố, Công an thành phố; Chủ tịch UBND, công chức
Tư pháp – Hộ tịch, công chức Văn phòng – Thống kê được phân công làm công tác bầu
cử của 25 phường, xã.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe
đồng chí Phạm Văn Thành – Thành ủy viên, Trưởng phòng Nội vụ thành phố trực tiếp
truyền đạt những nội dung cơ bản về công tác lập danh sách cử tri, viết thẻ cử
tri.
Các đại
biểu dự hội nghị
Theo đó, thẩm quyền lập danh sách cử
tri do UBND cấp xã lập theo khu vực bỏ phiếu. Danh sách cử tri có thể viết tay
hoặc đánh máy theo mẫu quy định, đảm bảo chính xác, đầy đủ, rõ ràng, không được
viết tắt hoặc tẩy xóa, đặc biệt là họ và tên của cử tri. Đối với danh sách cử
tri có từ 02 tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai và Chủ tịch UBND cấp xã ký
vào từng trang. Nguyên tắc lập danh sách cử tri được xác định theo điều 29 Luật
bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp năm 2015 quy định: Mọi
công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền được ghi tên vào danh sách
cử tri và được phát thẻ cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND
các cấp (trừ những trường hợp theo luật định). Mỗi công dân chỉ được ghi tên
vào một danh sách cử tri ở nơi mình đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú
(trường hợp cử tri có nguyện vọng bỏ phiếu ở nơi khác thì phải thông báo để
UBND cấp xã nơi mình thường trú biết và không ghi tên vào danh sách cử tri ở địa
phương).
Cách tính tuổi công dân để ghi tên
vào danh sách cử tri được quy định: Những công dân sinh từ ngày 23/5/2003 (theo
giấy khai sinh) trở về trước thì đủ tuổi để thực hiện quyền bầu cử. Trường hợp
không có giấy khai sinh thì căn cứ vào sổ hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân hoặc
căn cước công dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử.
Đồng
chí Phạm Văn Thành – Trưởng phòng Nội vụ thành phố
hướng
dẫn công tác lập danh sách cử tri, viết thẻ cử tri
Tùy thuộc vào thời gian cư trú, quan
hệ gắn bó với địa phương nơi cử tri đăng ký tham gia bầu cử mà Luật đã quy định
từng nhóm đối tượng có phạm vi bầu cử không hoàn toàn giống nhau. Cụ thể: Cử
tri thường trú hoặc tạm trú từ đủ 12 tháng trở lên thì được ghi tên vào danh
sách cử tri để bầu 04 cấp (bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện,
xã (trừ nơi không có đơn vị hành chính cấp xã hoặc nơi thực hiện mô hình chính
quyền đô thị không tổ chức HĐND quận, phường). Cử tri tạm trú chưa đủ 12 tháng
thì được ghi tên vào danh sách cử tri bầu 03 cấp (bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu
HĐND cấp tỉnh, huyện) nơi mình tạm trú và có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu. Cử
tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào
cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được ghi tên vào danh
sách cử tri bầu 02 cấp (bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi
đang bị tạm giam, tạm giữ, nơi đang chấp hành các biện pháp bắt buộc).
Danh sách cử tri được lập theo mẫu số
33/HĐBC của Hội đồng bầu cử quốc gia. Riêng đối với cột (2) ngày, tháng, năm
sinh cần lưu ý: Đối với cử tri sinh từ năm 2002 trở về trước thì chỉ cần ghi
năm sinh. Đối với cử tri sinh từ tháng 01/2003 đến ngày 23/5/2003 thì phải ghi
đầy đủ cả ngày, tháng, năm sinh.
Việc lập danh sách cử tri phải được
hoàn thành chậm nhất vào ngày 04/4/2021 (50 ngày trước ngày bầu cử). Danh sách
cử tri phải được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, những địa điểm công cộng của
khu vực bỏ phiếu 40 ngày trước ngày bầu cử, chậm nhất là ngày 13/4/2021.
Về thẻ cử tri: các nội dung trong thẻ
cử tri phải được viết đầy đủ, rõ ràng, không được viết tắt, do Chủ tịch UBND cấp
xã tổ chức ghi thẻ, ký tên, đóng dấu theo mẫu quy định. Số thẻ cử tri được ghi
theo số thứ tự của cử tri trong danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu tương ứng.
Khi cử tri bầu cử xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào mặt
trước Thẻ cử tri.
Đại
biểu phường Lộc Vượng trao đổi, thảo luận những vướng mắc trong việc lập danh
sách cử tri
Cũng tại hội nghị, đại biểu các phường,
xã cũng đã thảo luận những vướng mắc trong quá trình tổ chức các nhiệm vụ phục
vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021
– 2026. Đại diện phòng Nội vụ đã giải đáp các vướng mắc mà các đại biểu đề cập,
đồng thời đề nghị các địa phương, trong quá trình triển khai công tác bầu cử, nếu
có khó khăn gì, trực tiếp trao đổi với phòng Nội vụ, để đảm bảo mọi công tác
chuẩn bị được chu đáo, tổ chức thành công cuộc bầu cử, để ngày bầu cử diễn ra
an toàn, vui tươi, thực sự là “ngày hội của toàn dân”.
Lập danh sách cử tri là việc làm rất
quan trọng, liên quan đến quyền bầu cử của mỗi công dân, vì vậy, đồng chí Trưởng
phòng Nội vụ cũng lưu ý các địa phương trong quá trình lập danh sách cử tri phải
tiến hành cẩn thận, tránh sai sót, nhầm lẫn, không để một công dân nào có quyền
bầu cử nhưng không được ghi tên vào danh sách cử tri.
Thanh Thủy – Trung tâm VHTT và TT thành phố