Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nhà số 7 Bến Ngự - thành phố Nam Định
Lượt xem: 7086
Nằm giữa lòng Thành phố Nam Định, trải qua trên 160 năm tuổi, ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự được coi là ngôi nhà cổ nhất Thành Nam hiện nay, đồng thời đây còn là nơi thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của tỉnh Nam Định.

Ngôi nhà số 7, Bến Ngự - thành phố Nam Định

  
  Tên di tích: Nhà số 7 phố Bến Ngự.

Loại công trình: Nhà ở.

Loại di tích: Di tích lịch sử.

Quyết định: Số 866-QĐ ngày 20/5/1991.

Địa chỉ: Phường Phan Đình Phùng, thành phố Nam Định.

Thông tin về di tích: Ngôi nhà do cụ Trần Đình Lâm xây dựng năm Kỷ Dậu (1849). Con trai cụ Lâm là Trần Doãn Đạt, đích tôn là Trần Bích San đều là những danh nho nổi tiếng thành Nam hồi thế kỷ XIX. Cụ Trần Doãn Đạt là một nhà sư phạm nổi tiếng và từng làm đốc học tỉnh Nam Định. Sau này, con cụ là Trần Bích San, học giỏi, đỗ đạt cao (đỗ Giải nguyên, Hội nguyên và Đình Nguyên liên tục vào các năm 1864, 1865) và được gọi là Tam nguyên Vị Xuyên.

Ngôi nhà cổ nhất thành Nam. Phố Bến Ngự giờ nguyên là phố Hoa kiều ngày trước. Ngôi nhà số 7 này là một trong những ngôi nhà cổ nhất của thành phố Nam Định hiện nay, ít nhiều phản ánh nếp ở của cư dân thành Nam hồi đầu thế kỷ XIX. Cũng có thể đó là ngôi nhà cổ duy nhất còn nguyên ở đất thành Nam này.

Qua 3 thế kỷ, trải bao biến thiên, ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự (thành phố Nam Định) vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ với kết cấu gỗ lim, tường thất, ngói nam...Đã 8 thế hệ sống trong ngôi nhà này, lớn lên và trưởng thành và gắng sức gìn giữ di sản của cha ông.

Ngôi nhà gồm từ đường và một số căn nhà phụ cận. Nhà từ đường rộng năm gian, mặt quay hướng đông về phía sông Đào, chỗ bến đò Chè ngày trước tấp nập thuyền bè qua lại buôn bán. Ngôi nhà được dựng theo kiến trúc thuần Việt. Tường xây bằng gạch thất, mái lợp ngói nam, các cột câu đầu, xà, lá mái đều được làm bằng gỗ lim chắc chắn. Ba gian giữa là loại cửa vông sơn thiếp. Các mảng chạm khắc khá đơn giản. Đầu dự có chạm hoa lá cách điệu. ở gian chính giữa là một bệ thờ bằng gạch, trên bệ có 9 hộp khám nhỏ. Trong khám là các bức Thần chủ bằng gỗ, ghi chức tước các vị trong dòng họ Trần. Trên bệ, có bức đại từ với 4 chữ sơn son thiếp vàng Dực thế tài đức (tạm dịch: Cõi trần đẹp đẽ ghi nhớ công đức).

Hồi đầu thế kỷ XX, đốc học Nam Định Nguyễn Thượng Hiền từng ở ngôi nhà này để liên lạc với các nhà nho yêu nước như Tăng Bạt Hổ, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến. Em trai Trần Bích San là Trần Bạch Lân tham gia phong trào Cần Vương và bị Pháp bắt, đày đi Côn Đảo. Ngôi nhà này cũng còn là cơ sở của các chiến sĩ cách mạng nổi tiếng Đinh Chương Dương, Lê Hồng Sơn - những người đã tổ chức, cử người sang Quảng Châu đầu những năm 20 của thế kỷ XX. Tiếp sau này, nhiều học sinh yêu nước đã đến đây học hỏi tìm đường cứu nước và trở thành những nhà chính trị xuất sắc, trong đó có các đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Đức Cảnh...Nếu tính từ năm 1849 đến nay ngôi nhà đã đến tuổi 155 năm, là nơi tụ họp con cháu và giao lưu nhiều đời, nhiều thế hệ.

Về mặt kiến trúc ngôi nhà đã giúp ta hiểu rõ nhà ở của dân Thành Nam đầu thế kỷ XIX như thế nào. Ngôi nhà cũng là một địa chỉ văn hoá quan trọng. Trong giai đoạn cách mạng 1930 – 1935 ngôi nhà này, vẫn là cơ sở ủng hộ và nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, là nơi thành lập Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên ở tỉnh Nam Định.

Với giá trị nhiều mặt như đã nêu trên, ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự vinh dự được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Nguồn: http://ditichlichsuvanhoa.com

Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định
Giấy phép số 100/GP-TTDT do Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ thông tin truyền thông cấp ngày 14/5/2010
Đơn vị chủ quản: UBND thành phố Nam Định Trụ sở: Số 10 Đường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định
Tel:0228.3849224 - Fax: 0228.3831922 - Email: tpthanhpho@namdinh.gov.vn

Thiết kế VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang