Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
744 năm kiến trúc thành phố Nam Định
Lượt xem: 4252
Thành phố Nam Định được thành lập cách đây hơn 744 năm (năm Nhâm Tuất 1262) và tổ chức theo mô hình thành thị phong kiến với phần thành nặng hơn phần thị

 

Thành phố Nam Định được thành lập cách đây hơn 744 năm (năm Nhâm Tuất 1262) và tổ chức theo mô hình thành thị phong kiến với phần thành nặng hơn phần thị. Thành phố Nam Định còn là một vị trí quân sự quan trọng, thời Gia Long được xây thành gọi là Thành Nam Định (1804-1895). Lúc đầu Thành được đắp bằng đất, đến đời Minh Mạng tường đất được thay thế bằng tường gạch, cao 5m, chu vi 3,5km, có hào sâu bao bọc, sông Đào cũng là một ranh giới phía Đông và Đông Nam. Ngoại thành gồm hương Tức Mạc, Phủ Thiên Trường quê hương của các vua Trần và một số làng, xã thuộc huyện Mỹ Lộc thời đó trải dài trên các phương Bắc, Tây, Nam. Địa giới từ lúc thành lập đến nay đã có nhiều thay đổi, hiện nay thành phố rộng khoảng 45km2, gồm 20 phường, 5 xã.

Thành phố có một địa thế rất đẹp, phía Bắc và Đông giáp tỉnh Thái Bình, huyện Mỹ Lộc và huyện Nam Trực; phía Tây giáp huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản; phía Nam giáp huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản. Sông Đào chảy xiết qua thành phố Nam Định theo chiều Đông Bắc - Tây Nam. Sông Hồng làm ranh giới tự nhiên với tỉnh Thái Bình. Theo diện rộng của cả nước, thành phố nằm ở trung tâm khu vực phía Nam đồng bằng Sông Hồng. Phía bắc cách Phủ Lý 30km, cách Hà Nội 98km. Phía nam cách cảng biển Thịnh Long 60km (theo đường 21), phía đông cách thành phố Thái Bình 20km, phía tây cách tỉnh lỵ Ninh Bình 30km. Như vậy thành phố Nam Định nằm trên một đỉnh của khu tam giác Nam Định - Ninh Bình - Phủ Lý (Hà Nam) hội tụ các tuyến đường 10, 12, 21, 38, lại có đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần tạo cho thành phố Nam Định đầu thế kỷ 20 trở thành một thành phố có cấu trúc đô thị hiện đại theo kiểu phương Tây.

Dân số thành phố hiện nay khoảng 25 vạn người, một con số khá cách biệt với năm 1945 chỉ có 5 vạn người và 10 vạn người năm 1954.

Lúc mới thành lập, người dân thành phố sống với những nghề đơn giản, sản xuất bằng thủ công, buôn bán nhỏ, chủ yếu là nghề làm ruộng. Theo thời gian nghề được phát triển và mở rộng như: may mặc, thêu ren, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, bánh kẹo, cơ khí, vận tải, dịch vụ, ăn uống, dạy học... Nghề dệt là nghề phát triển và được nhiều người quan tâm. Tuy vậy, với con mắt của những nhà đầu tư thì nơi này là một địa điểm thích hợp cho việc xây dựng các nhà máy. Xuất phát từ đó mà năm 1889 một chủ đầu tư người Pháp đã đến đây xây dựng nhà máy Sợi. Tiếp đến các chủ đầu tư khác cũng xây dựng nhiều nhà máy như: Nhà máy Tơ, nhà máy Điện, nhà máy Nước, nhà máy Chai, nhà máy Rượu...

Kiến trúc nhà máy của thành phố Nam Định được đầu tư xây dựng  khá sớm và đồng bộ ngay từ cuối thế kỷ 19. Lĩnh vực chính thuộc về dệt và sản phẩm, đã nổi tiếng trên thế giới, đưa thành phố trở thành "Thành phố Dệt". Từ đó đến nay, các loại nhà máy vẫn tiếp tục được xây dựng phù hợp với năng lực sản xuất của địa phương, như nhà máy thực phẩm xuất khẩu, nhà máy cơ khí... Đặc biệt ngành may mặc đã xây dựng và mở rộng rất lớn như Cty cổ phần may Nam Hà, Cty cổ phần may Sông Hồng... đưa thành phố lên tầm mới với đặc trưng "Thành phố Dệt May". Song song với ngành dệt, ngành may, ngành cơ khí, ngành thực phẩm, đã ra đời với những nhà máy bia, nước giải khát là một loại nhu yếu phẩm phục vụ kịp thời yêu cầu của xã hội... Về quy hoạch, kiến trúc, các nhà máy được đưa về những địa điểm mới như Khu công nghiệp Hoà Xá, Mỹ Trung, Cụm công nghiệp An Xá... đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước. Những nhà máy cũ đang từng bước di dời vào khu, cụm công nghiệp để góp phần xây dựng bộ mặt kiến trúc của thành phố ở giai đoạn mới.

Kiến trúc dân dụng như công sở, nhà ở, trường học... trong 744 năm, khởi đầu là công trình kiến trúc cung đình nhà Trần ở Tức Mạc (một công trình nguy nga tráng lệ được coi là chỉ đứng sau cung đình Thăng Long - Hà Nội) cho đến ngày nay kiến trúc thành phố đã có một bước tiến dài:

Từ những công trình một tầng, đơn giản vật liệu tranh tre, nứa lá, gạch, gỗ thông dụng ngày nay đã có một thành phố đa phần là nhà cao tầng. Với 3 loại nhà: nhà tạm, nhà cấp 4, nhà vĩnh cửu, đã đáp ứng được nhu cầu nhà cửa các giai đoạn phát triển kể cả thời bình và thời chiến. Trong thời chống quân Nguyên Mông tại thành phố Nam Định nhà Trần có rất nhiều quân, nhưng quân doanh không xuất hiện, đến nay vị trí vẫn chưa được xác định cụ thể. Trong thời chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1965-1972), giặc phá ta xây, xây trên mặt đất, xây dưới mặt đất, xây trong thành phố, xây nơi sơ tán,  bảo đảm có công trình để sản xuất và đánh thắng giặc. Sau chiến tranh, nhà tạm đã đáp ứng đón dân sơ tán trở về, đón các em tới trường tiếp tục học tập. Phát huy được vốn kiến trúc truyền thống vào việc tu sửa, cải tạo nâng cấp và xây mới các công trình tín ngưỡng như chùa Vọng Cung, chùa Cả, khu di tích văn hoá Đền Trần, khu Hồ truyền thống, Bảo tàng cổ vật... thành những công trình đẹp có giá trị nhiều mặt. Đồng thời, bảo tồn được những công trình kiến trúc mang đậm tính lịch sử như nhà số 7 Bến Ngự, những công trình kiến trúc cổ có giá trị như nhà ông Nguyễn Ngọc Đạt số 187 đường Hùng Vương. Vận dụng được kiến trúc hiện đại của thế giới vào xây dựng thành phố từ cuối thể kỷ 19 đã mang lại hiệu quả như giải quyết được kết cấu móng các công trình cao 9-10 tầng xây trên nền đất yếu. Khung vượt khẩu độ lớn của các nhà hội trường, rạp hát, rạp chiếu bóng, nhà thi đấu thể thao bảo đảm an toàn và ổn định. Giải quyết được cách âm của trần nhà, chống nóng, lạnh, chống thấm dột, chống gió bão cho mái nhà. Đưa vật tư trang trí, hoàn thiện tốt làm cho ngôi nhà đẹp, đủ điều kiện chống bám bụi, chống rêu phong, chống phong hoá do khí hậu nóng ẩm, gió mùa. Đưa các máy móc, thiết bị mới, hiện đại vào lắp đặt ở khu bếp, khu vệ sinh, điều hoà nhiệt độ trong nhà... Tất cả những yếu tố đó kết hợp với lòng đam mê nhiệt tình của các kiến trúc sư, kỹ sư, đã đưa lại cho thành phố những công trình kiến trúc đa dạng về hình khối, màu sắc đẹp, chất lượng tốt, sử dụng thuận tiện, đầu tư hợp lý chẳng khác gì những ngôi nhà theo kiến trúc Pháp, kiến trúc châu Âu, châu Mỹ.

Tốc độ xây dựng đã bước đi đúng nhịp nhanh, chậm theo tiến trình lịch sử, kinh tế, xã hội của thành phố. Những năm 1975-1990 hầu như công trình kiến trúc mới trong thành phố không đáng kể. Nhưng từ năm 1990 đến nay khi thành phố đã trở thành đô thị loại II, quốc lộ 10 và 21 đã và đang được nâng cấp đầy đủ; kinh tế thị trường đã chính thức hoà nhập, tốc độ xây dựng thành phố đã được nâng lên một tầm mới. Đường phố đã có nhà 4-5 tầng hình khối đa dạng, màu sắc đẹp, chất lượng tốt. Các khu đô thị mới đã được quy hoạch và khởi công xây dựng như Khu đô thị Hoà Vượng.

Quy hoạch thành phố đã được mở rộng và định hướng đến năm 2020. Quy hoạch chi tiết 2/3 số phường, xã đã được xác lập để điều hành và quản lý xây dựng đúng pháp luật.

Nói tóm lại 744 năm kiến trúc thành phố Nam Định đã để lại một kho tàng lịch sử quý báu, có giá trị, tạo tiền đề, tạo cơ sở để các cấp lãnh đạo của tỉnh và thành phố, cho những người kiến trúc sư, kỹ sư, cho những người làm nghề xây dựng và cho nhân dân thành phố nói chung trong tiến trình thực hiện Nghị quyết số 54-NQ-TW ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 19-5-2006 về quy hoạch tổng thể phát triển thành phố Nam Định đến năm 2020: "... Chỉnh trang, hiện đại hoá các đô thị lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Nam Định...", xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, đào tạo làm hạt nhân phát triển của tiểu vùng Nam đồng bằng Sông Hồng". Theo đó, thành phố Nam Định là trung tâm một số ngành công nghiệp, đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế - chăm sóc sức khoẻ - nghiên cứu y học, văn hoá du lịch, thể thao - phát triển thành phố Nam Định với tầm nhìn dài hạn, hướng tới văn minh hiện đại, giữ gìn bản sắc riêng biệt của thành phố. Phát triển mở rộng gắn kết với các vùng phụ cận, các khu đô thị mới được xây dựng hiện đại, có kết cấu hạ tầng đồng bộ. Kiến trúc đô thị có bản sắc riêng của vùng. Xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng của thành phố đạt các chỉ tiêu của đô thị loại II và tiến tới đạt các chỉ tiêu của đô thị loại I, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của đô thị trung tâm vùng. Dự báo dân số năm 2010: 511000 người, năm 2020: 955000 người, quy mô đất năm 2010: 2140ha, năm 2020: 45127ha.

Dự kiến đến năm 2020 thành phố được chia thành 4 khu chức năng:

- Khu trung tâm (khu phố cũ): là nơi đặt trung tâm chính trị, hành chính, văn hoá của tỉnh và thành phố.

- Khu phát triển mở rộng về phía Bắc: Xây dựng một số công trình có quy mô, tính chất vùng như: công viên, văn hoá, du lịch Tức Mạc, làng cổ Tức Mạc, khu di tích Đền Trần, chùa Tháp, khu liên hợp thể dục - thể thao. Khu các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, và nghiên cứu khoa học, các bệnh viện.

- Khu mở rộng về phía Tây và Tây Nam: Bố trí các khu công nghiệp tập trung, kho bãi, là đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ.

- Khu phát triển mở rộng về phía Nam sông Đào: Cải tạo xây dựng các khu dân cư, làng xóm cũ thành một quần thể làng sinh thái. Trồng hoa, cây cảnh với xây dựng mô hình làng sinh thái. Vùng đất phía Tây gần sông Đào dự phòng để phát triển công nghiệp.

Xây dựng thành phố Nam Định mang đậm bản sắc vùng Nam đồng bằng Sông Hồng, giữ gìn các phố cũ, các đô thị mới xây dựng theo kiểu đô thị vườn. Xây dựng các cửa ô đi vào thành phố.

Xây dựng thành phố với các đặc điểm kiến trúc thể hiện nền văn minh lúa nước, kết hợp các công trình tiêu biểu (điểm nhấn) như Trung tâm thương mại, Bảo tàng tổng hợp...

 


Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định
Giấy phép số 100/GP-TTDT do Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ thông tin truyền thông cấp ngày 14/5/2010
Đơn vị chủ quản: UBND thành phố Nam Định Trụ sở: Số 10 Đường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định
Tel:0228.3849224 - Fax: 0228.3831922 - Email: tpthanhpho@namdinh.gov.vn

Thiết kế VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang