Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị loại I-Hướng tới trung tâm vùng đồng bằng Nam sông Hồng.
Lượt xem: 6049

BÁO CÁO KHÁI QUÁT NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU XÂY DỰNG THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH

 TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ LOẠI I - HƯỚNG TỚI TRUNG TÂM VÙNG

(tại cuộc họp báo về Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường- Nam Định ngày 18/9/2012)

I. TỔNG QUAN VỀ THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH            

Thành phố Nam Định hình thành từ hương Tức Mặc- quê hương, nơi phát tích của triều đại phong kiến Nhà Trần và vị Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với việc năm 1262 Thượng Hoàng Trần Thái Tông đổi tên hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường và xây dựng cung điện để các Thái Thượng Hoàng về trông coi việc nước. Ngày 17 tháng 10 năm 1921, toàn quyền Đông Dư­ơng (thời kỳ Pháp thuộc) đã ra Nghị định thành lập thành phố Nam Định. Sau ngày giải phóng (1/7/1954) cho đến những năm 1980, thành phố Nam Định là đô thị lớn thứ 3 miền Bắc, sau thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Nam Định là thành phố công nghiệp giàu truyền thống cách mạng, văn hiến. Năm 1978, thành phố Nam Định đ­ược Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Trải qua nhiều lần sát nhập, chia tách tỉnh, thành phố Nam Định luôn đ­ược xác định là Trung tâm chính trị- kinh tế- văn hoá- khoa học kỹ thuật của tỉnh Hà Nam Ninh, tỉnh Nam Hà và nay là tỉnh Nam Định. Nằm ở trung tâm khu vực phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng (gồm 4 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình), cách thủ đô Hà Nội 90 km; có hai sông lớn là sông Hồng và sông Đào chảy qua, nằm ở vị trí trung tâm của các thành phố tỉnh lỵ vùng nam đồng bằng sông Hồng: cách Thái Bình 19 km, Ninh Bình 28 km, Phủ Lý 30 km; nằm trong vùng ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, H­ưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh), thành phố Nam Định có tầm ảnh h­ưởng quan trọng tới sự phát triển của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Ngày 24 tháng 9 năm 1998, thành phố Nam Định đ­ược Thủ t­ướng Chính phủ Quyết định số 183/1998/QĐ-TTg công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại II.  Trải qua chặng đường phấn đấu phát triển, sau 12 năm kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II,  thành phố Nam Định đã đạt các tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc Tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 2106/QĐ-TTg ngày 28/11/2011 công nhận là đô thị loại I trực thuộc Tỉnh.

Hiện nay, thành phố Nam Định có 361.000 dân (gồm 261.000 dân thường trú, 90.000 dân quy đổi), 20 ph­ường nội thành, 5 xã ngoại thành, diện tích tự nhiên 46,32 km2 trong đó diện tích khu vực nội thành 18,62 km2.  

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ- MỤC TIÊU- ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Cơ sở pháp lý:

- Nghị quyết 54- NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Nam đồng bằng sông Hồng,

- Quyết định số 31/2001/QĐ-TTg ngày 12/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2020,

- Quyết định 109/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng,

- Quyết định số 156/QĐ- TTg ngày ngày 09/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2025,

- Quyết định số 758/QĐ- TTg ngày 08/6/2009 của Thủ tướng Chỉnh phủ về phê duyệt chương trình nâng cấp đô thị quốc gia từ năm 2009 đến năm 2020,

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Nam Định khoá XV ( tháng 7/2010)

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định khoá XVIII ( tháng 9/2010)

- Chương trình số 01/ UBND- CTr ngày 18/3/2011 của UBND tỉnh Nam Định về thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020,

- Chương trình phát triển đô thị thành phố Nam Định đến năm 2015- tầm nhìn 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1083/QĐ-UBND ngày 12/7/2011,

- Quyết định số 2084/QĐ-TTg ngày 22/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2025,

2. Mục tiêu:

- Xây dựng thành phố Nam Định đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đô thị loại I; tiếp tục đầu tư, nâng cấp, phát triển thành phố, mở rộng tầm ảnh hưởng tới các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn, từng bước trở thành trung tâm khu vực nam đồng bằng sông Hồng.

- Phát triển đô thị hiện đại, bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá- lịch sử, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế.

3. Định hướng phát triển:

 - Phát huy thế mạnh của thành phố về truyền thống lịch sử, văn hoá, vị thế trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng để nâng cao giá trị văn hoá, giáo dục đào tạo; phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ.

- Tăng cường thế mạnh trung tâm của ngành công nghiệp dệt may, cơ khí chế tạo máy, chế biến thực phẩm, dược phẩm. Tận dụng tối đa lợi thế về lao động, truyền thống giáo dục để phát triển công nghiệp và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề chất lượng cao. Tạo sự gắn kết cao trong mối quan hệ với các đô thị vùng nam đồng bằng sông Hồng, với Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và vùng  kinh tế trọng điểm phía Bắc;

- Phát triển hiện đại, đồng bộ, hài hòa giữa xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang đô thị. Khai thác tối đa thế mạnh đặc trưng đô thị có 2 sông lớn (sông Hồng, sông Đào), các hồ và các công trình kiến trúc cổ, các làng trồng hoa, cây cảnh, tạo cảnh quan sinh thái đô thị. Phát triển không gian đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, bảo vệ môi trường đô thị. Từng bước điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính ra các vùng phụ cận theo quyết định 109/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2015.

- Đảm bảo đô thị phát triển bền vững, có bản sắc văn hoá truyền thống. Nâng cao lợi thế là trung tâm đào tạo của vùng và khu vực với 4 trường Đại học, 12 trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và lợi thế trung tâm văn hoá thể thao của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Mở rộng khả năng cạnh tranh, có vai trò ảnh hưởng quan trọng trong toàn vùng về đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

III. NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU VỀ KINH TẾ- XÃ HỘI:

Trong 5 năm 2007- 2011, thực hiện Nghị quyết 05- NQ/TU ngày 01/12/2006 của Tỉnh uỷ Nam Định về xây dựng thành phố Nam Định trở thành trung tâm kinh tế- văn hoá xã hội của vùng nam đồng bằng sông Hồng, dưới sự lãnh đạo, đầu tư của Tỉnh, sự phấn đấu đoàn kết, khắc phục khó khăn của Đảng bộ - chính quyền thành phố tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Nam Định tăng trưởng ổn định (trừ giai đoạn suy thoái kinh tế chung của cả nước năm 2008), bình quân đạt 12,9%/năm; tổng gía trị tăng thêm (GDP) chiếm bình quân 25,5 % / năm so với toàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt bình quân 54, 5% / năm so toàn tỉnh; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ bình quân đạt 59,8% / năm so toàn tỉnh.

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố chiếm bình quân 54 % / năm giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,74% /năm; năm 2011 đạt 6.562 tỷ đồng, chiếm 54,8% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Trên địa bàn thành phố có 2 khu công nghiệp tỉnh ( Hoà Xá 286 ha đã lấp đầy 100%, Mỹ Trung 151 ha lấp đầy 30%) và 1 cụm công nghiệp An Xá thành phố quản lý ( giai đoạn 1 diện tích 53 ha lấp đầy 100%, giai đoạn 2 diện tích 13 ha đã có 8 dự án đăng ký), thu hút tổng cộng 185 doanh nghiệp với hơn 54.000 lao động đang làm việc. 

Hệ thống thương mại dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại, đặc biệt từ 2010- 2011 với sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân. Các khách sạn, nhà hàng đã được nâng cấp, cải tạo và mở rộng; văn minh thương mại, nếp sống đô thị có nhiều tiến bộ. Siêu thị Big C Nam Định và Trung tâm thương mại Micom Plaza đạt tầm vóc và sức thu hút trung tâm vùng. Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu trên địa bàn 5 năm đạt 1.294 triệu USD, chiếm 95 % xuất khẩu của tỉnh, tăng bình  quân 19 %/ năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 5 năm đạt 3.646,3 tỷ đồng; bình quân chiếm 59 % / năm so toàn tỉnh.

Nhiều công trình lớn, trọng điểm của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn thành phố đã hoàn thành và đang xây dựng như: đường S2 và cầu Nam Định qua sông Đào, khu đô thị Hoà Vượng, cải tạo, nâng cấp quốc lộ 21, nâng cấp tỉnh lộ 490, xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý; khu đô thị mới Thống Nhất, Mỹ Trung; khu văn hoá Trần; bệnh viện khu vực 700 giường; nâng cấp, mở rộng các trường Đại học Điều dưỡng, Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật, Lương Thế Vinh... tạo điều kiện cho cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội phát triển.

Hạ tầng đô thị thành phố được đầu tư nâng cấp toàn diện, đồng bộ  từ các nguồn vốn Trung ương, tỉnh, dự án WB... làm thay đổi bộ mặt, cảnh quan đô thị khang trang hiện đại.

Các hoạt động văn hoá - xã hội tiếp tục được tập trung củng cố, tăng cường. Đến nay, đã có 16/25 (64%) trạm y tế phường, xã đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng giáo dục và đào tạo giữ vững thành tích tốp đầu cả nước, có 24/66 (36%) trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn Quốc gia. Phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được triển khai, có 282/527 tổ dân phố, 43/61 thôn xóm, 56.600 hộ/74.000 hộ dân toàn thành phố đạt tiêu chuẩn văn hóa (76%), 54/100 tuyến phố chính đạt tiêu chí văn minh đô thị. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 12%. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn dưới 5% năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 3,82 %.

IV. NHỮNG KẾT QUẢ LỚN VỀ QUY HOẠCH- XÂY DỰNG HẠ TẦNG- QUẢN LÝ ĐÔ THỊ

1. Về quy hoạch:

- Phối hợp cùng Sở Xây dựng nghiên cứu, báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 2084/QĐ-TTg ngày 22/11/2011 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025 theo hướng hiện đại, phù hợp với vai trò, vị trí trung tâm vùng.

- Tập trung rà soát, đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chi tiết 18 phường, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý quy hoạch. Tham gia xây dựng quy hoạch chi tiết các phân khu, đảm bảo tốt việc quản lý, góp phần định hướng xây dựng thành phố hiện đại.

- Tiếp tục tăng cường quản lý quy hoạch chung và chi tiết gắn với việc rà soát, quản lý sử dụng tốt các khu đất có gía trị thương mại ở nội thành để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình điểm nhấn cho thành phố.

2. Về xây dựng hạ tầng:

2.1. Hạ  tầng giao thông:

- Giao thông đối ngoại: hoàn thành nâng cấp 2 tuyến quốc lộ 10, 21 đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng; hoàn thành nhiều dự án quan trọng, nâng cao kết nối- giao thương từ thành phố đi các tỉnh và huyện bạn ( đường Lê Đức Thọ và cầu Nam Định-tuyến S2, tuyến S3; tỉnh lộ 490 C...)

- Giao thông đối nội: đã tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ hè, cống, ápphan 20 tuyến đường phố nội thành với tổng chiều dài 40km; xây dựng hơn 80 tuyến đường đồng bộ về hạ tầng với mặt cắt rộng, cảnh quan đẹp tại 2 khu đô thị mới ( Hoà Vượng, Thống Nhất), 5 khu tái định cư ( Trần Nhân Tông, Đồng Quýt, Trầm Cá, Phạm Ngũ Lão, Đông Mạc). Hiện nay hệ thống đường đối nội thành phố có 220 tuyến đường phố/ 18,2 km2 diện tích nội thành được bố trí dạng ô bàn cờ có khả năng giao kết cao, đạt tiêu chí về mật độ hạ tầng giao thông của đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

2.2. Hạ tầng đô thị:

- Nâng cấp, mở rộng khu vực nội thành với 2 khu đô thị mới, 5 khu tái định cư, tổng diện tích gần 300 ha, đưa diện tích khu vực nội thành có hạ tầng đồng bộ lên 18,2 km2/ 46,4 km2 diện tích toàn thành phố.

- Hệ thống cấp nước được dự án Cộng hòa Pháp tài trợ nâng cấp, mở rộng nhà máy công suất 75.000 m3/ ngày đêm, cung cấp đạt tiêu chuẩn cho 352.000 dân thành phố ( gồm 262.000 dân thường trú và 90.000 sinh viên, công nhân) và hơn 100.000 dân các xã lân cận của huyện bạn.

- Hệ thống cấp điện được dự án ADB (Ngân hàng phát triển châu Á) và ngành điện đầu tư đồng bộ hệ thống trạm biến áp và đường dây, đảm bảo cảnh quan và an toàn, công suất đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân thành phố.

- Hệ thống thoát nước với trạm bơm Kênh gia và tuyến kênh phía đông nam được dự án Thuỵ Sỹ hỗ trợ xây dựng từ năm 2003 dài 3,8 km; trạm bơm Quán chuột cùng tuyến kênh phía tây bắc thuộc dự án WB xây dựng từ 2008, hoàn thành 2012 dài 5,7  km cùng 25 km cống nội thành, kênh mương được xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo; 7 hồ điều hoà lớn (Vị Xuyên, Vị Hoàng, Truyền Thống, An Trạch, Bảo Bối, Hàng Nan, Năng Tĩnh) tổng diện tích hơn 30 ha đã và đang được kè đảm bảo tốt công tác thoát nước. 

- Thực hiện dự án WB, từ 2007 đến nay thành phố đã hoàn thành nhiều hạng mục của dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu dân cư thu nhập thấp tại 20 phường với tổng mức đầu tư 49 triệu USD, làm thay đổi bộ mặt hạ tầng và xã hội các khu dân cư.

2.3. Hạ tầng công nghiệp: trên địa bàn thành phố, Tỉnh hoàn thành đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hòa Xá diện tích 320 ha tổng mức đầu tư hạ tầng 472 tỷ đồng, thu hút 38 doanh nghiệp đang hoạt động; khu công nghiệp Mỹ Trung 150 ha đã đầu tư hạ tầng 214 tỷ đồng/ tổng mức đầu tư 358 tỷ đồng, thu hút 12 doanh nghiệp đang hoạt động; cụm công nghiệp An Xá của thành phố hoàn thành hạ tầng giai đoạn I (53ha- tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng); đang mở rộng giai đoạn II (42 ha- đã GPMB 13ha), có 41 doanh nghiệp hoạt động.

2.4. Hạ tầng văn hóa- xã hội- giáo dục đào tạo:

- Trên địa bàn thành phố, nhiều công trình lớn, tạo cảnh quan đẹp được Trung ương và Tỉnh đầu tư, hoàn thành, đưa vào sử dụng: Đài tưởng niệm liệt sỹ, Trung tâm điện ảnh sinh viên, Trung tâm công nghệ thông tin (giai đoạn I), Bảo tàng tỉnh, Bệnh viện phụ sản;  nâng cấp Bệnh viện đa khoa, trường đại học Điều dưỡng, đại học Kinh tế- kỹ thuật CN... 

- Các công viên, vườn hoa được nâng cấp, mở rộng (Vỵ Xuyên, Điện Biên…); nhiều nhà văn hóa, sân chơi ở các khu dân cư được đầu tư xây dựng

2.5. Hạ tầng thương mại- dịch vụ- du lịch:

- Các siêu thị lớn quy mô trung tâm vùng được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, thu hút nhân dân các tỉnh lân cận: siêu thị BigC (Lộc Hòa) diện tích 4 ha, Trung tâm thương mại MiCom Plaza 3 tầng diện tích 2 ha. Chợ Rồng, chợ Mỹ Tho và các chợ khu vực được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Xây dựng chợ đầu mối Phạm Ngũ Lão...

- Các dịch vụ trên địa bàn thành phố phát triển khá phong phú (ngân hàng, tín dụng, tư vấn…). Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng được các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, nâng cấp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân thành phố.

- Hạ tầng khu du lịch đền Trần- chùa Tháp tiếp tục được đầu tư đồng bộ, thu hút đông đảo nhân dân và du khách các dịp lễ hội.

3. Về quản lý đô thị:

- Xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị; tăng cường vận động nhân dân chấp hành quy định về quản lý đô thị cùng với việc kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm đất đai, ao hồ, xây dựng trái phép...

- Hoàn thành hệ thống hạ tầng cấp và thoát nước, đảm bảo phục vụ cho 35 vạn dân thành phố và nhân dân các vùng phụ cận; giải quyết tốt tình trạng ngập úng nội thành khi có mưa lớn.

- Nâng cấp, chỉnh trang 4 công viên lớn, 8 vườn hoa; tăng cường hệ thống cây xanh đô thị tại các đường phố, công trình công cộng; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đạt gần 100 % 220 tuyến đường phố, hơn 600 ngõ xóm nội và ngoại thành. Hệ thống đèn LED trang trí được lắp đặt tại 12 tuyến phố chính và 8 công trình công cộng, tạo bộ mặt thành phố khang trang, hiện đại .

- Thực hiện xã hội hoá công tác vệ sinh môi trường và tăng cường năng lực, đổi mới cách thức quản lý, hợp đồng giao nhiệm vụ công tác thu gom, vận chuyển rác và phế thải cùng với việc tích cực vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị đã làm cho thành phố- đẹp sạch hơn.

III-  NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2012- 2015

Yêu cầu chung: Bám sát Quyết định số 2084/QĐ-TTg ngày 22/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2025 và Chương trình phát triển đô thị được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1083/QĐ- UBND ngày 12/7/2011, đảm bảo phù hợp nhiệm vụ, vai trò của thành phố là trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng.

1. Quản lý tốt quy hoạch để phát triển hạ tầng đô thị:

- Mở rộng quy mô thành phố Nam Định theo quy hoạch được duyệt; đề nghị Tỉnh đầu tư, nâng cấp từng bước hạ tầng kỹ thuật các khu vực dự kiến mở rộng thành phố (huyện Mỹ Lộc; 3 xã: Tân Thành, Thành Lợi, Đại An huyện Vụ Bản; 5 xã: Nghĩa An, Nam Mỹ, Nam Toàn, Điền Xá, Hồng Quang- huyện Nam Trực).

- Hoàn thành hạ tầng các khu đô thị mới Thống Nhất, Mỹ Trung và 5 khu tái định cư. Xây dựng khu tái định cư nam sông Đào diện tích dự kiến 40 ha, khu tái định cư Phúc Tân diện tích dự kiến 23 ha đồng bộ, hiện đại.

- Tiếp tục cải tạo, nâng cấp các tuyến đường chính của thành phố kết nối với các tuyến giao thông quốc gia, các đường phố nội thành và hệ thống cấp thoát nước. Xúc tiến dự án nhà máy xử lý nước thải thành phố.

- Tập trung đầu tư một số công trình công cộng tạo điểm nhấn trên địa bàn thành phố Nam Định xứng đáng là đô thị loại I trực thuộc Tỉnh, từng bước phát triển thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

2. Huy động các nguồn lực tiếp tục nâng cấp đồng bộ hạ tầng giao thông:

- Giao thông đối ngoại: xây dựng đường nối QL 10 với QL21 và cầu Tân Phong qua sông Đào; hoàn thành công trình đường bộ mới Nam Định- Phủ Lý; triển khai dự án nâng cấp quốc lộ 38B và cảng sông Nam Định đạt tiêu chuẩn cảng sông loại I.

- Giao thông đối nội: xây dựng hệ thống đường giao thông các khu đô thị mới, tái định cư, các xã ngoại thành đồng bộ, có tính liên kết cao với các khu vực dự kiến mở rộng.

3. Phát triển các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng cấp điện:

- Hoàn thành xây dựng hạ tầng đồng bộ của khu công nghiệp Mỹ Trung, giai đoạn 2 cụm công nghiệp An Xá với các trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.

- Xây dựng, nâng cấp các công trình cấp điện trọng điểm cho các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, khu vực dự kiến mở rộng địa giới thành phố.

4. Nâng cao vai trò thương mại- dịch vụ cho toàn vùng:

- Đầu tư và có chính sách thu hút đầu tư hạ tầng thương mại- dịch vụ với các trung tâm triển lãm, trung tâm sản xuất và tiêu thụ hàng hóa lớn, các chợ đầu mối...

- Mở rộng, nâng cao chất lượng, vai trò trung tâm thương mại; xây dựng các khu dịch vụ vui chơi giải trí thu hút khách du lịch và nhân dân trong vùng (khu hồ đầm Đọ, đầm Bét- phường Lộc Vượng, công viên Tức Mặc, công viên Vỵ Xuyên...)

5. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và các kết cấu văn hoá- thông tin- thể thao hiện đại:

- Xây dựng, củng cố hạ tầng văn hoá- thể thao với hệ thống các sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi, các điểm vui chơi công cộng; khuyến khích tổ chức các câu lạc bộ, các loại hình sinh hoạt văn hoá lành mạnh, phù hợp dân cư đô thị.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, đồng bộ, rộng khắp, công nghệ thông tin cao, duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. 

6. Củng cố vai trò trung tâm giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của toàn vùng:

- Hoàn thành xây dựng Cụm nhà ở sinh viên thành phố Nam Định đáp ứng chỗ ở cho 4.600 sinh viên. Phối hợp và tạo điều kiện nâng cấp trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật thành trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật, trường Trung cấp y tế thành trường Cao đẳng y dược, trường Trung cấp kinh tế- KT nông nghiệp lên trưởng Cao đẳng nông nghiệp.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng các trường học, phấn đấu 70% các trường mầm non, phổ thông các cấp học đạt chuẩn Quốc gia.

- Quy hoạch và và phối hợp với các ngành để kêu gọi một số trường đại học lớn như trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Xây dựng, trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Giao thông vận tải, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông thành lập các phân hiệu đại học tại Nam Định.

- Đầu tư thiết bị công nghệ để ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến, công nghệ cao và đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố.

 7. Phát triển hệ thống y tế- chăm sóc sức khoẻ nhân dân toàn vùng:

- Tạo điều kiện phát triển các cơ sở khám chữa bệnh hiện đại theo quy hoạch phát triển ngành y tế đã được phê duyệt. Nâng cao chất lượng 10 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa trên địa bàn, gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần; Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng; Bệnh viện mắt; Bệnh viện nội tiết; Bệnh viện da liễu.

- Phối hợp để xúc tiến thành lập một số khoa của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, U bướu… tại Bệnh viện trung tâm vùng. Khuyến khích xây dựng Bệnh viện nước ngoài công nghệ cao và các phòng khám chất lượng cao.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHỦ YẾU

1. Quản lý chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng:

- Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố đến năm 2025 và quy hoạch giao thông Quốc gia.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện các quy hoạch kết cấu hạ tầng, đề cao trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan được phân công chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch, bảm đảm hiệu quả và tính khả thi. Coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch. Tăng cường thu hút các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

2. Tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng:

- Tích cực vận động, thu hút đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng- vận hành- chuyển giao), BT (xây dựng- chuyển giao), PPP (hợp tác đầu tư nhà nước- tư nhân). Có cơ chế để tạo sức huy động vốn ODA và vốn của các thành phần kinh tế để đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thủy lợi, giao thông, điện, chợ, trường học, bệnh viện, thể thao, văn hóa. Đồng thời tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư của các dự án, nhất là mặt bằng.

- Thực hiện tốt cơ chế hiện có của Tỉnh, vận động nhân dân đóng góp bằng nhiều hình thức và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn mới.

- Tiếp tục rà soát các dự án đã chấp thuận đầu tư, xác định nguyên nhân dự án chậm triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc thu hồi giấy phép đầu tư, các dự án không khả thi hoặc thiếu năng lực triển khai theo quy định.

- Thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường công tác quản lý về đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Thực hiện tốt quản lý quy hoạch kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn thành phố. Tăng cường kiểm tra chất lượng các công trình đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Triển khai kịp thời các quy định mới của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng.

- Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư thực hiện chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và thể dục thể thao, môi trường.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.

- Thực hiện tốt việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu và công tác tổ chức đấu thầu theo Luật định. Chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy định về giám sát và đánh giá đầu tư; chế độ, nội dung báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ theo quy định.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, khắc phục phiền hà và giảm chi phí cho các nhà đầu tư.

- Thực hiện tốt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực thành phố giai đoạn 2011-2020, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý, xây dựng, vận hành  khai thác các công trình kết cấu hạ tầng. Nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát trong quá trình xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng.


Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định
Giấy phép số 100/GP-TTDT do Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ thông tin truyền thông cấp ngày 14/5/2010
Đơn vị chủ quản: UBND thành phố Nam Định Trụ sở: Số 10 Đường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định
Tel:0228.3849224 - Fax: 0228.3831922 - Email: tpthanhpho@namdinh.gov.vn

Thiết kế VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang