Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Phát huy những giá trị truyền thống góp phần xây dựng đời sống văn hoá Thành Nam
Lượt xem: 1397
Với những đặc thù về đô thị, có số lượng lớn lao động là công nhân nhà máy, buôn bán theo lối phường hội, phố hàng, phố nghề, có nhiều kiến trúc đô thị cổ, việc xây dựng và bố trí dân cư, kết cấu hạ tầng đô thị cũng như những nếp sống, sinh hoạt cộng đồng dân cư, văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng … đã đem lại nét “Văn hóa đô thị” cho Thành phố Nam Định từ rất sớm, từ những đặc trưng trên đây đã tạo nên truyền thống Thành Nam với những giá trị vững bền của cư dân đô thị và đời sống văn hóa có  điểm khác biệt so với nhiều nơi khác.

                                     Đêm Thành Nam  (nguồn ảnh trên Internet)

Có nhiều cách hiểu và diễn đạt về truyền thống, song với cách hiểu được nhiều người sử dụng và cho rằng thỏa đáng, đó là: “ Truyền thống là những thói quen, tư tưởng, lối sống, những giá trị văn hóa lâu đời được truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng người tôn trọng, lưu giữ, kế thừa và phát huy”.

Còn về văn hóa, văn hóa cũng có hàng trăm khái niệm, song với khái niệm được cho là thỏa đáng nhất, đó là: “ Văn hóa là tất cả những yếu tố vật chất và tinh thần đặc trưng cho một cộng đồng xã hội, được cộng đồng đó chấp nhận, sử dụng và gìn giữ nó theo thời gian”. 

Như vậy văn hóa là yếu tố đã có sự lựa chọn mà người làm việc đó là cả cộng đồng dân cư. Một yếu tố chỉ được coi là văn hóa của một cộng đồng khi nó sống và tồn tại với cộng đồng đó trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, một đặc tính quan trọng khác đó là: văn hóa có thể thay đổi, bổ sung và phát triển theo thời gian, cùng với sự thay đổi và phát triển của xã hội đó.

Vậy những giá trị truyền thống của Thành phố Nam Định được chúng ta luôn coi trọng, gìn giữ và phát huy đó là gì!?

Nhìn lại lịch sử, một chặng đường dài chúng ta đã đi qua, theo đó là những câu chuyện về  Thành phố Dệt anh hùng, Thành phố của tiếng Thoi, ngày nay là thành phố Đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nam Định. Nằm ở phía Nam  đồng bằng sông Hồng, Thành phố Nam Định đã sớm trở thành Trung tâm văn hoá, tín ngưỡng và tôn giáo ngay từ những thời kỳ đầu của thế kỷ XIII trong lịch sử Việt Nam; năm 1262, nhà Trần cho xây dựng Phủ Thiên Trường, đặt dấu mốc đầu tiên cho một đô thị Nam Định sau này. Trong suốt thời kỳ lịch sử từ Thiên Trường cho đến Nam Định ngày nay, trải qua các triều đại Trần, Hồ, , Mạc, Tây Sơn, Nguyễn vùng đất này đã nhiều lần đổi tên như Thiên Trường, Vị Hoàng, Trấn Sơn Nam, Thành Nam rồi Nam Định. Danh xưng “Nam Định” chính thức có từ năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1921, người Pháp đã phá Thành Nam quy hoạch lại và thành lập thành phố Nam Định.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vai trò của thành phố Nam Định lại có thêm những lần thay đổi cho phù hợp với nhiệm vụ chung của Tỉnh Nam Định và cả nước, đặc biệt đã cùng với nhiều địa phương khác xứng đáng với vai trò hậu phương lớn cho tiền tuyến miềm Nam thành đồng Tổ quốc, chiến thắng đế quốc Mỹ và chế độ ngụy quyền, giành lại độc lập- tự do, thống nhất đất nước, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là đô thị loại I ngày 28/11/2011. Trước đó, ngày 22/11/2011 thành phố Nam Định  đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố Nam Định thành Trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học- xã hội của tỉnh Nam Định và của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Kể từ thời nhà Trần, thành phố Nam Định đã có hơn 750 năm xây dựng và phát triển. Dưới thời nhà Nguyễn, Nam Định là một thành phố lớn cùng Hà Nội và Huế, thời đó Nam Định còn có trường thi Hương, thi Hội, có cả Văn Miếu như Hà Nội. Đây là một trong những đặc điểm khá nổi bật và quan trọng cho những lý giải sau này của các nhà nghiên cứu lịch sử- văn hóa về truyền thống  hiếu học của người dân vùng Trấn Sơn Nam.

Thành phố Nam Định được công nhận thành phố dưới thời Pháp thuộc ngày 17 tháng 10 năm 1921, đã gần 100 năm, còn sớm hơn Thành phố VinhMỹ ThoCần Thơ, hay Thành phố Huế (1929). Về quy mô dân số nội thành so với các thành phố ở miền Bắc chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng ( hiện đã hơn 30 vạn dân đạt 17.221 người/ 1 km2 vào năm 2011). Trong nội thành từng có Liên hiệp Nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương nên Nam Định còn được gọi là Thành phố Dệt. Đây là thành phố có nhiều tên gọi như: Thiên Trường, Vị Hoàng, Sơn Nam Hạ, Thành Nam, Non Côi sông Vị, thành phố Hoa Gạo, thành phố Dệt, thành phố Lụa và Thép. Điểm khác biệt của Nam Định so với một số đô thị trực thuộc tỉnh khác đó là: cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Nam Định là một trong số ít thành phố còn lại ở miền Bắc lưu giữ được ít nhiều nét kiến trúc thời Pháp thuộc, có Quán Hoa, nhà Kèn, nhà thờ Lớn, các khu phố cổ xưa từ thế kỷ XVIII- XIX, trong khi các tỉnh lỵ khác hầu hết được xây dựng và quy hoạch mới lại sau chiến tranh. Thành phố cũng từng có một cộng đồng người Hoa Kiều khá đông đảo ở thời giữa thế kỷ XIX chủ yếu đến từ tỉnh Phúc Kiến- Trung Quốc, đến nay con cháu họ vẫn sống ở khu vực phố cũ: Hoàng Văn Thụ(Phố Khách), Lê Hồng Phong(Cửa Đông), Hai Bà Trưng(Vải Màn, Hàng Rượu), Hàng Sắt, Bến Ngự, Bắc Ninh, Hàng Cau, Hàng Đồng, Hàng Đường...

Thành phố Nam Định chủ yếu nằm ở phía Bắc sông Đào (còn gọi là sông Nam Định). Nam Định là thành phố cổ thứ hai chỉ sau Hà Nội, có lịch sử xây dựng trước cả Phố Hiến và Hội An, nay đã sang tuổi thứ 755. Nếu như Hà Nội xưa có 36 phố phường thì Thành phố Nam Định có 40 phố cổ. Những con phố nhỏ nằm ven bờ sông Đào mang dáng vẻ riêng gắn liền với hơn 750 năm phát triển của Thành Nam. Những phố cổ của Nam Định cũng như Hà Nội là các phố nghề như: Hàng Vàng, Hàng Bát, Hàng Kẹo, Hàng Mâm, Hàng Tiện, Hàng Nâu,Hàng Thao, Hàng Ghế, Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Vải Màn, Hàng Rượu, Hàng Sũ v.v... Hiện nay, một số phố không còn giữ lại được tên cổ như ở Hà Nội, và cũng không còn buôn bán những mặt hàng truyền thống tuy nhiên nó vẫn còn phần nào giữ được dáng vẻ cổ kính của nó. Hiện tại ở Thành phố Nam Định còn một số phố mang tên gọi cổ là Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hàng Cau, Hàng Thao, Hàng Đồng, Hàng Sắt, Bến Thóc, Bến Ngự, Cửa Trường, Tràng Thi... còn lại phần lớn đã được đổi tên thành Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Thụ, Bắc Ninh... Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình Thành phố đang phát triển mạnh sang phía Nam sông Đào, với những dự án cho các khu công nghiệp, thương mại, nhà ở sinh thái, nông nghiệp sạch…

Với những đặc thù về đô thị, có số lượng lớn lao động là công nhân nhà máy, buôn bán theo lối phường hội, phố hàng, phố nghề, có nhiều kiến trúc đô thị cổ, việc xây dựng và bố trí dân cư, kết cấu hạ tầng đô thị cũng như những nếp sống, sinh hoạt cộng đồng dân cư, văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng … đã đem lại nét “Văn hóa đô thị” cho Thành phố Nam Định từ rất sớm, từ những đặc trưng trên đây đã tạo nên truyền thống Thành Nam với những giá trị vững bền của cư dân đô thị và đời sống văn hóa có  điểm khác biệt so với nhiều nơi khác. Chúng ta có thể khái quát một số đặc điểm sau,

Thứ nhất: Nói chung người dân thành phố Nam Định làm việc có tác phong công nghiệp, mang bản chất và đặc tính của nhiều thế hệ công nhân nhà máy Dệt, May và thợ thủ công nghiệp trong các tổ hợp, cơ sở sản xuất nhỏ …cũng như tại các phường thợ, phường nghề trong các phố cổ xưa kia.

Thứ hai: Có tính lanh lợi, tháo vát trong các hoạt động buôn bán, trao đổi, thương mại tại các chợ, hay ngay ở các phố- phường mang tên các “hàng” là một đặc trưng được phản ánh qua tên của 40 phố cổ Thành Nam.

Thứ ba: Đời sống, nếp sống sinh hoạt  hàng ngày cũng mang đậm lối sống của đô thị từ rất lâu, thể hiện qua các món ăn vào buổi sáng, ban đêm, hay giữa sáng- giữa chiều và có các loại hình bán hàng rong, quán Cóc…nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của nhiều đối tượng, tầng lớp nhân dân từ công nhân, thợ thủ công, tiểu thương, nhân sĩ, trí thức, học sinh...

Nhân dân Thành Nam có lòng hiếu khách, thoáng đạt, cởi mở và chân thành, luôn tạo được ấn tượng tốt với bạn bè, du khách thập phương.

Thứ tư: Là thành phố có đa dạng các hoạt động tôn giáo- tín ngưỡng, các tập tục, thói quen trong ăn- mặc- vui chơi, giải trí…do nơi đây là trung tâm của vùng Trấn Sơn Nam xưa và của vùng Nam đồng bằng sông Hồng ngày nay, nơi giao thoa, hội tụ của nhiều phường hội thủ công nghiệp, tiểu thương đặc biệt là giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến những năm 90 của thế kỷ XX, khi đó Nam Định được xem như Trung tâm của ngành công nhiệp Dệt- May cả nước, thu hút nhiều lao động cũng như mọi nguồn lực xã hội, con người các vùng lân cận tạo cho thành phố sự sầm uất, tấp nập, đa dạng trong mọi hoạt động của đời sống kinh tế- văn hóa- xã hội. Thành phố có đầy đủ từ rất sớm  các thiết chế văn hóa- thể thao- hệ thống công viên- hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh đô thị; cấp- thoát nước đã có quy hoạch từ thời Pháp cho đến ngày nay tất cả đã được cải tạo, xây mới đồng bộ hiện đại, được đứng trong Top 10 thành phố trên toàn quốc về hạ tầng đô thị.

Thứ năm: Đó là thành tích hết sức nổi bật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục phổ thông, luôn tạo được tiếng vang và sự ngưỡng mộ của các tỉnh, thành phố bạn, nhiều năm liên tục dẫn đầu cả nước về thành tích giáo dục phổ thông và đào tạo nghề.

Với năm đặc điểm cơ bản trên đây, có thể nói đó là những giá trị truyền thống khá nổi bật của Thành phố Nam Định trong quá khứ mà hiện tại cần có sự trân trọng, nhìn nhận, tiếp thu, đổi mới để vươn lên xây dựng Thành Nam ngày càng giầu đẹp- văn minh. Những giá trị truyền thống luôn là hành trang cho mỗi chúng ta trong đời sống hàng ngày và sự nghiệp của mỗi người, đóng góp cho sự nghiệp chung của Thành phố.

Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước sau gần 30 năm, Thành phố Nam Định của chúng ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn và đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực, song những thành tựu đó, nhất là lĩnh vực văn hóa có mặt còn chưa tương xứng với truyền thống của quê hương, chưa thực sự tác động có hiệu quả tới việc xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đứng trước kỷ nguyên mới, chúng ta không thể sống bằng những giá trị truyền thống mà không làm gì, chúng ta không thể làm theo nếp cũ, thói quen cũ, cách nghĩ- cách làm cũ. Nếu không tự đổi mới mình, nếu cả cộng đồng chúng ta không cùng đổi mới trên nền tảng những giá trị truyền thống thì chắc chắn chúng ta sẽ lạc hậu- tụt hậu và chính chúng ta sẽ phá bỏ, hủy hoại những giá trị truyền thống.

Để “ Phát huy giá trị truyền thống, góp phần xây dựng đời sống văn hóa Thành Nam” chúng tôi xin nêu ra một số ý kiến sau:

Là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng nổi tiếng trong đó có Di tích lịch sử- văn hóa đặc biệt cấp quốc gia là Đền Trần- Chùa Tháp, hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách về thăm quan và dự Lễ hội Đền Trần ( Lễ khai Ấn đầu xuân và Lễ hội tháng tám âm lịch) là cơ hội cho Thành phố quảng bá hình ảnh của mình, đồng thời cũng là động lực để nhân dân thành phố có ý thức hơn khi được là chủ thể của các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian, cộng đồng.  Bước vào thời kỳ mới, giai đoạn phát triển mới cùng với sự vận động không ngừng của xã hội loài người, đặc biệt là các thành tựu về khoa học- công nghệ đã làm cho đời sống kinh tế- xã hội có nhiều thay đổi lớn lao, mức sống của người dân được nâng lên rõ rệt, các giá trị văn hóa, truyền thống, các tập tục, thói quen có sự thay đổi lớn, không ngừng, trong đó có cả mặt tích cực và mặt tiêu cực.

Trước những vấn đề trên, nhằm phát huy những giá trị truyền thống, góp phần xây dựng đời sống văn hóa của Thành Nam văn hiến chúng ta cần thấm nhuần về tư tưởng, nhận thức và hành động trong quá trình xây dựng và phát triển Thành phố những năm tới. Như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”  đã chỉ rõ 5 mục tiêu cụ thể, trong đó mục tiêu thứ 2 là: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội Chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách”. Tạm nói xung quanh mục tiêu này, chúng ta nhận thấy Thành Nam có đủ điều kiện để phát huy có hiệu quả các giá trị truyền thống trên tinh thần đổi mới.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận có những cản trở rất lớn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đó là: Công tác quản lý nhà nước về văn hóa có lúc còn bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng với sự phát triển của xã hội; sự đầu tư cho văn hóa còn chưa tương xứng, chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống nhân dân và trong lĩnh vực văn hóa, thậm chí có xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ mục đích của công tác tuyên truyền- giáo dục về văn hóa- thẩm mỹ; trình trạng nhập khẩu, quảng bá sản phẩm văn hóa có lúc còn dễ dãi, thiếu chọn lọc…do đó việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một, làm cho môi trường văn hóa thiếu lành mạnh, bị “ ô nhiễm” đáng lo ngại.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, từ sau đổi mới đến nay xung đột giữa tính nông nghiệp, nông thôn trong các giá trị văn hóa truyền thống với tính công nghiệp- đô thị mà Thành phố chúng ta cũng như nhiều đô thị khác hướng tới trở nên gay gắt, bởi sự tăng lên về cơ học dân số nông thôn ra thành thị, sự giao thoa văn hóa, tập quán thói quen tại đô thị trở nên đa dạng, hay có, dở cũng có. Làm cho hệ giá trị truyền thống biến động mạnh mẽ. Kết quả khảo sát điều tra về thực trạng biến động của hệ giá trị truyền thống vừa được công bố cho thấy có tới 82,9 % ý kiến cho rằng hệ giá trị phổ biến là hạnh phúc gia đình, tiếp theo là 75,4% là việc làm ổn định, công bằng xã hội 53,4%, giầu có 52,2%. Qua bảng khảo sát trên cho thấy gia đình có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống con người, được xã hội quan tâm nhiều nhất, đây cũng là lý do khi nói rằng “ Gia đình là tế bào của xã hội”. Vậy tại sao chúng ta không phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa, những gì tốt đẹp nhất ngay từ các gia đình!?

Chúng ta không nên cho rằng xây dựng đời sống văn hóa hay xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là cái gì đó cao siêu, rộng lớn. Trái lại, môi trường văn hóa lành mạnh hay xây dựng đời sống văn hóa là những gì rất cụ thể mà mọi địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức và cả cộng đồng đều cần tạo dựng. Môi trường văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa nhất định phải góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống, ý thức tự trọng- tự chủ, nâng cao sức khỏe thể chất- trí lực; có nhận thức và ý thức về trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng; biết yêu cái đẹp và giữ gìn phát huy giá trị của cái đẹp; biết tạo dựng cuộc sống an toàn- lành mạnh.

Để có được môi trường văn hóa lành mạnh cần làm cho văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, để văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với

kinh tế, chính trị, xã hội. Để đạt được điều đó, chúng ta cần:

Trước tiên: Chúng ta cần thiết phải xây dựng văn hóa trong Đảng ( Văn hóa trong chính trị, theo tinh thần Nghị quyết 9- BCH Trung ương Đảng khóa XI), xây dựng văn hóa trong Đảng là một bước phát triển mới, cao hơn việc thực hiện một cách đơn thuần các quy định trong Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, quy tắc hay các quy định của Đảng, các Nghị quyết của Đảng mà chúng ta thực hiện với một ý thức, tinh thần văn hóa và nhân văn. Trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, lấy sự phục vụ nhân dân làm trọng, có ý thức chấp hành pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Thứ hai: Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Song, phải coi trọng và ưu tiên phát triển kinh tế Thành phố trước một bước vì Thành phố chúng ta còn khó khăn, thu nhập ở mức trung bình khá, trong đó mỗi người, mỗi hộ gia đình coi việc phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm nhất, được ưu tiên nhất, kế đó là từng bước chăm lo đến đời sống văn hóa tình thần, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và đời sống tinh thần, văn hóa- xã hội.

Chúng ta phải coi trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa trong hoạt động kinh doanh, buôn bán của các hộ kinh doanh các thể…, tránh kiểu buôn bán “ chộp giật” không có đạo đức trong kinh doanh, coi thường pháp luật. Phải đảm giữ chữ “Tín” trong làm ăn buôn bán, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Thứ ba: Muốn phát huy được các giá trị truyền thống, bản thân mỗi người dân bên cạnh việc thực hiện các chính sách dành cho sự phát triển văn hóa- xã hội của nhà nước; phải tự giác nâng cao nhận thức, dân trí để chủ động tiếp thu những thành tựu khoa học- kỹ thuật, những tinh hoa văn hóa của nhân loại, qua đó chọn lọc để nhận biết được cần lưu giữ gì và loại bỏ gì trong đời sống văn hóa vì hơn hết văn hóa do chính sự cảm nhận trước tiên của mỗi người về cái đẹp để ra cộng đồng xã hội nó trở thành những giá trị truyền thống.

Thực tế cho thấy, đã đến lúc mỗi người cần thay đổi cách thức tổ chức hoạt động kinh tế, kinh doanh cho phù hợp, chúng ta không thể mãi bán hàng ở cửa nhà mình, rồi lấn chiếm một ít vỉa hè gây cản trở giao thông làm mất mỹ quan đô thị; hay thường có  quan niệm “ trần sao- âm vậy” nên ngày rằm, ngày giỗ nhiều gia đình đốt đồ mã cả nhà lầu, xe hơi…Nếp sống văn minh đô thị phải dần thay thế những tư duy, suy nghĩ xưa cũ không còn phù hợp. Việc này cần được thực hiện và triển khai sâu rộng qua phong trào “Xây dựng Gia đình văn hóa”; “Khu dân cư văn hóa”; “Tuyến phố văn minh”…

Thứ tư: Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng đời sống văn hóa Thành Nam rất cần đến từ hai phía: Nhà nước và người dân.

 Phát huy các kết quả đạt được trong nhiều năm qua, lãnh đạo Thành phố tiếp tục có chủ trương và chính sách trong quy hoạch, tạo quỹ đất dành cho các thiết chế văn hóa- thể thao và các hoạt động cộng đồng. Huy động các nguồn lực xã hội, từ phía người dân cùng nhà nước và các tổ chức kinh tế- xã hội; xây dựng, đảm bảo cho các hoạt động văn hóa cũng như các hoạt động tại cộng đồng dân cư. Đối với thành phố cần tiếp tục phát huy hiệu quả từ phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “ Xây dựng tuyến phố Văn minh đô thị”, “ Văn minh thương mại”.

Thứ năm: Phát huy lợi thế của Thành phố trong công tác giáo dục& đào tạo, coi giáo dục là đòn bẩy trong nhận thức về văn hóa, thông qua môi trường giáo dục làm cho văn hóa thấm sâu hơn trong mỗi người dân đặc biệt là thế hệ trẻ; cùng với giá trị văn hóa- lịch sử tại các di tích, hệ thống các bảo tàng trong và ngoài Thành phố nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh và nhận thức về văn hóa cho mỗi người dân.

Thứ sáu: Sẵn sàng hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực trong đó lĩnh vực văn hóa đã, đang và sẽ  là lĩnh vực hội nhập rất mạnh mẽ, qua đó tiếp thu có chọn lọc để làm giầu hơn, đẹp hơn văn hóa Việt Nam, nhất định không “hòa tan” vào các trào lưu văn hóa ngoại lai. Thấm nhuần quan điểm của Đảng, đó là: “ Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Thông qua hội nhập, giao lưu văn hóa, để từ chính các hoạt động của văn hóa làm bổ trợ, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

         Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Thành ủy, sự quan tâm tạo mọi điều kiện của Chính quyền Thành phố, sự nhất trí đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố, chắc chắn sự nghiệp đổi mới cũng như các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội, quốc phòng- an nhinh của Thành phố sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn, trong đó lĩnh vực văn hóa có được vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp ấy, xứng đáng là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, góp phần xây dựng Thành phố Nam Định xứng đáng là đô thị Trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng.
                                                                            

               Nguyễn Đức Bình- Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin

 


Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định
Giấy phép số 100/GP-TTDT do Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ thông tin truyền thông cấp ngày 14/5/2010
Đơn vị chủ quản: UBND thành phố Nam Định Trụ sở: Số 10 Đường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định
Tel:0228.3849224 - Fax: 0228.3831922 - Email: tpthanhpho@namdinh.gov.vn

Thiết kế VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang