Một trong những nghi lễ chính trong lễ hội Khai ấn đền Trần là nghi lễ “rước nước, tế cá” được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm có ý nghĩa tri ân tổ tiên nhà Trần, một Vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn với sông nước.
Vào ngày 02/2 (tức ngày 12 tháng Giêng
âm lịch), tại khu di tích đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, Ban
tổ chức lễ hội đền Trần đã tổ chức thực hiện nghi lễ “rước nước, tế cá” tưởng
nhớ, tri ân tổ tiên vương triều nhà Trần.
Quang cảnh đoàn rước nước, tế cá.
Đội đánh bắt cá.
Trong ngày làm nghi lễ “rước nước, tế
cá” đông đảo người dân phường Lộc Vượng, con cháu họ Trần và hàng nghìn du khách đã
có mặt ở khu vực đền Trần để chuẩn bị tiến hành nghi lễ. Đoàn lễ gồm: đội rước
rồng, lân; chiêng, trống, đội bát âm, kiệu rước Nước, kiệu rước Cá, đội đánh
bắt cá với vật dụng đầy đủ như vó, giậm, nơm…; kiệu Thánh, đội tế nam quan, đội
tế nữ quan.... Sau khi lấy nước, đoàn lễ tổ chức đánh cá tại ao thả cá cạnh
giếng Rồng, đánh bắt hai loại cá Triều đẩu (cá quả) và Long ngư (cá chép), đựng
trong những chiếc thúng sơn đỏ để chuyển đến kiệu Rồng. Từ 8 giờ 30 phút, đoàn
bắt đầu rước Nước và rước Cá về Đền Thiên Trường, thực hiện nghi lễ dâng Nước
và tế Cá. Tiếp theo, cá được đưa đi phóng sinh ở sông Hồng, tại khu vực phà Hữu
Bị (thuộc địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc). Nghi lễ phóng sinh cá ra sông
Hồng có ngụ ý, tổ tiên nhà Trần xuất thân từ nghề chài lưới nên phải nhân nuôi
đàn cá để khai thác lâu dài chứ không được tận diệt nguồn lợi thiên nhiên

Các bô lão cùng du khách thập phương làm lễ tại giếng Rồng.
Các bô lão thực hành nghi lễ lấy nước tại giếng Rồng.
Nghi lễ “rước nước, tế cá” là nghi lễ
được Viện Văn hóa - Nghệ thuật dân gian phục dựng lại sau nhiều năm mai một để
tìm lại tính nguyên vẹn, sắc thái văn hóa đa dạng của lễ hội đền Trần.
Đội đánh bắt cá tại hồ bán nguyệt và sông cạnh hồ.
Theo tài liệu, khoảng hơn 100 năm
trước, trong lễ hội đền Thượng (đền Thiên Trường) bao giờ cũng có nghi thức
“rước nước, tế cá”. Hội rước nước được tổ chức rất chu đáo vào ngày 15 tháng
giêng. Người được cầm bình đi lấy nước thay mặt dân làng đưa bình ra kiệu rồi
phủ một tấm vải đỏ thắm lên trên. Người này được dân làng chọn từ trước và phải
là người khỏe mạnh, có đạo đức, con cháu đầy đủ, trong năm gia đình không có
chuyện buồn.
Kiệu Rồng chở cá về tế tại đền Thiên Trường.
Các bô lão làm lễ tế nước, tế cá.
Các bô lão làm lễ phóng sinh cá tại sông Hồng.
Theo các tư liệu lịch sử, tổ tiên nhà
Trần vốn xuất thân từ nghề chài lưới, xuôi theo sông Hồng xuống đến vùng Thái
Bình, Nam Định thì dừng chân, lấy đất Thiên Trường ở Nam Định làm nơi khởi
nghiệp, từ đó lập lên vương triều nhà Trần với 14 đời vua lừng lẫy chiến tích.
Để tưởng nhớ nguồn gốc cha ông, con cháu nhà Trần đều xăm hình Rồng lên mình,
hàng năm làm lễ rước nước, tế cá để tôn vinh, tưởng nhớ nghề Tổ và nguồn gốc
xuất thân./.
Phan
Nam -Trung tâm VHTT&TT thành phố