Lễ khai Ấn đền Trần là một trong
những Nghi lễ truyền thống quan trọng (trong khuôn khổ Lễ hội khai Ấn đền Trần)
diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng hàng năm tại đền Thiên Trường, thuộc Quần thể di
tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng (TP Nam Định). Lễ
hội Khai ấn Đền Trần năm nay diễn ra từ ngày 01/02 đến ngày
06/02/2023 (tức ngày 11 đến 16 tháng Giêng âm lịch). Trong đó, ngày 11 và 12 tháng Giêng
(tức ngày mùng 01 và mùng 02/02/2023) đã diễn ra các nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ
và rước Nước, tế Cá.
Các
đại biểu tham dự Lễ dâng hương và khai Ấn tại đền Thiên Trường
Trong không khí anh linh, thành kính
của đất trời, đúng 22h15, đêm
04/02/2023 (tức đêm 14 tháng Giêng âm lịch), tại đền Thiên Trường, UBND thành
phố Nam Định trọng thể tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ 14 vị vua Trần và vị anh
hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn để tri ân
công đức của các bậc Tổ tiên, duy trì, giữ gìn lịch sử truyền thống và bản sắc
văn hóa của quê hương, dân tộc. Dự Lễ dâng hương và khai Ấn có đồng chí Đoàn
Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, nguyên Bí
thư Tỉnh ủy Nam Định; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; đồng chí Phạm Gia
Túc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; đồng chí Lê Quốc Chỉnh,
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trưởng đoàn Đoàn đại biểu
Quốc hội của tỉnh; đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND
tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Đại
biểu thành phố có đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành
ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Vũ Ngọc Phi, Phó Bí thư Thường trực Thành
ủy; đồng chí Phạm Duy Hưng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ
tịch UBND thành phố; các đồng chí trong BTV Thành ủy; lãnh đạo các phòng, ban,
ngành của thành phố; lãnh đạo các phường, xã trên địa bàn thành phố cùng đông
đảo nhân dân và du khách thập phương.
Trong diễn văn tại Lễ dâng hương,
đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nam Định Phạm Duy Hưng cho biết: Lễ hội khai
Ấn đền Trần, trong đó có Lễ khai Ấn đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm
lịch hàng năm tại đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) đã được Bộ
Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật
thể cấp quốc gia. Đây là điển lệ của dòng họ Trần được thực hiện tại tiên Miếu (cung
Tức Mặc xưa - đền Thiên trường nay) với ý nghĩa nhân văn to lớn là cầu cho quốc
thái, dân an, thiên hạ thái bình thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc Ấn, tích
phúc vô cương, mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, sáng
tạo, học tập, công tác tốt. Ngày nay, Lễ hội khai Ấn không chỉ mang đậm giá trị
văn hóa truyền thống, yếu tố tâm linh mà còn mang tính giáo dục lịch sử sâu
sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; cũng là dịp để các tầng
lớp nhân dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của các bậc tiền nhân, ghi
nhớ công lao to lớn của vương triều Trần trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Các
Nghi lễ chuẩn bị trước giờ khai Ấn
Đoàn
rước kiệu Ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường
Sau lễ dâng hương là nghi
lễ rước Kiệu ấn từ
Đền Cố Trạch thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo sang Đền Thiên Trường. Đoàn
rước gồm 120 người đại diện cho các tầng lớp nhân dân làng Tức Mặc, đi đầu là cờ
ngũ sắc, đồ tế cúng, đội nhạc lễ, đội Tế, kiệu Ấn và kiệu Đức Thánh Trần. Đội khiêng kiệu do
các nam thanh niên được lựa chọn kỹ càng trong hàng trăm nam thanh niên làng Tức
Mặc.
Đúng 23h15, Nghi lễ khai Ấn bắt đầu tại ban thờ Trung thiên đền
Thiên Trường. Tại Lễ khai Ấn, 14 cụ cao
niên làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể đã chứng
kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn. Trong thời gian làm Lễ Khai Ấn, Ban
Tổ chức Lễ hội đóng cửa đền Thiên Trường để đảm bảo sự tôn nghiêm của nghi lễ
truyền thống.
Kiệu Ấn được các nam thanh niên làng Tức
Mặc rước vào sân Đền Thiên Trường
Các cụ cao niên làng Tức Mặc làm lễ tế
Tiên tổ trước giờ khai Ấn
Sau khi các nghi lễ chính được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền
thống, từ 23h55 trở đi, Ban Tổ chức Lễ hội mở cửa đền để nhân dân
vào lễ đầu năm. Từ 5h sáng ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 05/02/2023), tổ chức
phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 03 nhà Giải Vũ, nhà trưng bày
hiện vật thời Trần – đền Trùng Hoa.
Theo tài liệu chính sử, Lễ khai ấn là một tục lệ có từ thế kỷ
XIII của triều đại nhà Trần nhằm thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên
Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong tước cho những quan, quân có công với
đất nước. Những năm kháng chiến chống Nguyên- Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn
cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại. Trải qua bao thế kỷ, ấn cũ không
còn. Đến năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại
Ấn với dòng chữ: “Trần Triều Tự Điển, Tứ phúc vô cương” theo kiểu chữ triện, với ý nghĩa mong muốn muôn dân, bách gia, trăm họ giữ
gìn gia phong, kỉ cương, đạo đức, tích phúc đủ đầy thì lộc hưởng mới bền vững. Và cũng từ đây, Lễ khai ấn vào giờ
Tý đêm 14 tháng Giêng trở thành một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà
vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính, biết ơn với thế hệ cha
ông, cầu mong cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị; đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính
quyền nhà Trần. Ban đầu, tục lệ khai Ấn chỉ mang tính địa phương, trong
phạm vi làng Tức Mặc, nhưng những năm gần đây, Lễ hội khai Ấn ngày càng thu hút
đông đảo du khách thập phương và du khách nước ngoài về dự lễ. Lễ khai Ấn hàng
năm vào giờ Tý ngày 14 sang đến ngày 15 tháng Giêng đã trở thành một Lễ hội
truyền thống được người dân
làng Tức Mặc duy trì đến ngày nay, giúp lưu giữ được giá trị của các phong tục
cổ truyền và phần nào tái hiện được một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.
Nội dung lịch sử được thể hiện sống động và sâu sắc qua các Nghi lễ truyền
thống góp phần nuôi dưỡng bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất chống
ngoại xâm và tâm thức “uống nước nhớ nguồn” của mỗi người Việt Nam.

Rất
đông người dân và du khách chờ đợi để được vào lễ sau giờ khai Ấn
Theo
Ban Tổ chức Lễ hội khai Ấn đền Trần – thành
phố Nam Định, ngoài phần lễ, trong các ngày từ 01/02 đến ngày 06/02/2023
(tức ngày 11 đến 16 tháng Giêng âm lịch) tại khu vực Đền Trần cũng sẽ diễn ra
nhiều hoạt động hội truyền thống phong phú và độc đáo như: Múa lân, rồng, sư
tử, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người, biểu diễn võ thuật…
Năm nay
không gian lễ hội cũng được mở rộng với khu quảng trường trung tâm thuộc
giai đoạn 1 của dự án Khu di tích lịch sử Văn hóa Trần đã hoàn
thành. Thành phố Nam Định đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ các phương án
để đảm bảo việc tổ chức Lễ hội an toàn, trật tự, đáp ứng tốt nhu cầu
tín ngưỡng và đi lễ đầu Xuân của khách thập phương. Do làm tốt công tác chuẩn
bị, tuyên truyền giáo dục về ý nghĩa của lễ hội nên công tác tổ chức và các
hoạt động trong dịp Lễ Khai ấn diễn ra tốt đẹp, không xảy ra các hành vi phản
cảm, thiếu văn hóa trong Lễ hội./.
Bài,
ảnh: Phạm Phương, Thanh Thủy – Trung tâm VHTT và TT thành phố