ĐIỀU NGỰ GIÁC HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG BẬC VUA HIỀN – ANH HÙNG TRONG KHÁNG CHIẾN GIỮ NƯỚC
Xuyên suốt lịch sử của dân tộc, có rất
nhiều nhân vật với tư cách là người đứng đầu, đã tạo nên những kỳ tích đối với
đất nước, có nhân vật nổi bật lên trong sự nghiệp giữ nước, có nhân vật nổi lên
trong sự nghiệp dựng nước, lại có nhân vật nổi lên trong sự nghiệp mở nước hoặc
có một số nhân vật có cả hai hoặc ba lĩnh vực đó. Trần Nhân Tông là một vị
Hoàng đế mà sự nghiệp nổi bật hẳn trên cả ba lĩnh vực: dựng nước, giữ nước và mở
nước.
Nhân dịp kỷ niệm 714 năm ngày đức Vua - Phật
hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308 – 2022), chúng ta cùng nhìn lại những
đóng góp to lớn của Ngài - một nhà chính trị xuất sắc, nhà quân sự tài ba, đệ
nhất Tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đối với quốc gia Đại Việt vào thế kỷ thứ
XIII.
Tượng
đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn
tại
chùa Phổ Minh – phường Lộc Vượng – TP. Nam Định
Hoàng đế Trần Nhân Tông tên húy là Trần Khâm
quê ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định).
Ngài là con trưởng của Thánh Tông Trần Hoảng, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm
Hoàng Thái hậu, sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258. Vua ở ngôi 15 năm
(1278-1293), nhường ngôi cho con là Anh Tông lên làm Thái Thượng hoàng 5 năm
(1293-1298), xuất gia đi tu (1293-1308) và viên tịch ngày 3 tháng 11 năm Mậu
Thân (1308), thọ 51 tuổi.
Theo chế độ
đặc biệt của vương triều Trần, vua cha là Trần Thánh Tông làm Thái Thượng hoàng
cho đến khi mất năm 1290. Khi Vua Trần Nhân Tông nắm quyền trị vì cùng Thái Thượng
Hoàng Trần Thánh Tông, cũng là thời gian Đại Việt phải đương đầu với thách thức
vô cùng hiểm nguy, quyết định đến sự tồn vong của đất nước. Đó là cuộc xâm lược
năm 1285 và năm 1288 của đế chế Nguyên Mông với số lượng quân viễn chinh huy động
cao nhất và những thay đổi trong chiến lược quân sự nhằm quyết tâm đánh chiếm Đại
Việt để mở đường bành trướng xuống các nước phía Nam.
Cần phải nói thêm,
người Mông Cổ sống trên thảo nguyên bao la, việc cưỡi ngựa, bắn cung là sở trường
và hầu như môi trường đã tạo ra ý chí quyết thắng. Người Mông Cổ mỗi khi bị
thua một thế lực nào đó, thường họ không chịu khuất phục, có thể huy động toàn
lực để trả thù. Nói cách khác, là dốc quân, nghiêng nước đánh báo thù.
Nhìn lại năm
1258, chống lại cuộc xâm lăng lần thứ nhất của đế chế Nguyên Mông, khi đó vua
Trần Thái Tông và thân phụ của Hoàng đế Trần Nhân Tông đã nhanh chóng đánh bại mặc
dù thế giặc rất mạnh, ba vạn quân kỵ tấn công như vũ bão, lúc đầu chúng ào ạt
tiến đánh làm cho quân Trần thất thế, địch thừa thắng chiếm Thăng Long. Nhưng
chỉ ít ngày sau, Vua Trần Thái Tông cùng Thái tử đã tiến quân phản công ở Đông
Bộ Đầu, sau một trận quyết tử làm cho địch đại bại, khiến chúng hoảng loạn rút
chạy về nước... Và từ đó, chúng nuôi ý chí phục thù. Bởi vậy giai đoạn Trần
Nhân Tông ra đời và đến lúc trưởng thành, cũng là thời kỳ nhà Trần phải chuẩn bị
đối phó với đế chế hùng mạnh này, nhất là từ năm 1279 Mông Cổ thôn tính Nam Tống,
ngự trị cả một vùng rộng lớn, không chỉ tăng thêm lực lượng, còn áp sát biên giới
nước ta, khiến tình thế ngày càng trở nên nguy cấp.
Nói đến thắng
lợi của cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, mọi người đều biết đến tài
năng quân sự kiệt xuất và công lao to lớn của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại
vương Trần Quốc Tuấn - một anh hùng dân tộc, một thiên tài quân sự đã được sử
sách ghi nhận và nhân dân đời đời tôn vinh là "Đức Thánh Trần". Nhưng
chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của triều đình, đặc biệt là người đứng
đầu - cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước: đó là vị Hoàng đế trẻ tuổi Trần
Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Vua Trần Nhân Tông, năm 1283, đã tiến
phong Trần Quốc Tuấn làm "Quốc công
tiết chế thống lĩnh thiên hạ chư quân sự". Cũng chính nhà Vua cùng
Thái Thượng hoàng và triều đình, trên cương vị quản lý quốc gia đã lo chuẩn bị
cho cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc, lo phát triển kinh tế, củng cố an
ninh, chính trị, xã hội, lo xây dựng lực lượng quân sự, tạo nên sức mạnh chiến
thắng mà sau này Hưng Đạo Vương đã đúc kết trong di chúc của mình: “… Vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước
ra sức nên bọn giặc phải chịu bị bắt…”
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, Vua Trần
Nhân Tông cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông xứng đáng là những vị Vua anh hùng,
đúng như trong bài phú Bạch Đằng Giang của Hàn Lâm học sĩ Trương HánSiêu đã viết:
… Anh minh hai vị thánh quân
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh
Giặc tan ngàn thuở thanh bình
Tại đâu đất hiểm, bởi mình đức cao…
Vua Trần Nhân
Tông tổ chức hội
nghị Bình Than (tháng 10 – 1282) “họp với
các vương hầu trăm quan, bàn về kế sách đánh giữ và chia đi đóng giữ những nơi
hiểm yếu …” Triều đình còn
mở hội nghị Diên Hồng (tháng
12 - 1284) để lấy ý kiến của các bô lão đại
diện cho trăm họ khắp nơi trong đất nước, cân nhắc nên hoà hay nên đánh?
Các nhà lãnh đạo
vương triều hẳn nhiên không muốn gây chuyện chết chóc, binh đao. Bởi ngoại xâm
hung bạo sát hại sinh linh, mà muốn cứu sinh linh thì phải chiến đấu để bảo vệ.
Đây là bản chất mang tính truyền thống của con người Đại Việt. Nhất là vương
triều Trần lại tôn trọng ý dân, quan tâm đến đời sống của dân, như câu đối nhấn
vữa ở sân đền Thiên Trường đã viết:
“Dân vi bang bản thiên niên sách.
Công tại nhân tâm vạn cổ trường”
Dịch nghĩa: “Lấy dân làm gốc ngàn năm sách lược
Lòng người ghi tạc, muôn thủa còn lưu”
Cuộc kháng chiến
chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285, Đại Việt phải đương đầu với
năm mươi vạn quân xâm lược do thái tử Thoát Hoan, cùng các tướng giỏi của nhà
Nguyên ào ạt tấn công, quân dân nhà Trần đã thực hiện kế “thanh dã” (vườn không nhà trống) lui binh để bảo toàn lực lượng.
Tuy tình thế khó khăn, nhưng Hoàng đế Nhân
Tông vẫn sáng suốt tin tưởng ở sự tất thắng của chính nghĩa, tin ở sức mạnh
đoàn kết: “Vua tôi đồng tâm”, tin ở
phương châm chiến lược của Hưng Đạo đại vương “tránh lúc ban mai, đánh khi tàn lụi”. Dưới sự chỉ huy tài tình của
hai Vua, cùng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương, quân Trần vẫn bảo toàn được
lực lượng, lại phản công thắng lớn ở Trường Yên ( Ninh Bình), Chương Dương, Hàm
Tử, Tây Kết.
Ba năm sau, nhà
Nguyên lại sai thái tử Thoát Hoan đem quân sang đánh báo thù. Cuộc chiến đấu chống
quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288 này nhàn hơn, nhưng lần này địch
cũng huy động 30 vạn quân, lại chuẩn bị lương thảo khá cẩn thận.
Quan quân triều
Trần tiếp tục rút lui chiến lược, chờ thời cơ để phản công.
Đoàn thuyền chở
70 vạn hộc lương của giặc bị tướng Trần Khánh Dư đánh bại, sau đó Hưng Đạo đại
vương bố trí trận địa tại sông Bạch Đằng tiêu diệt 400 chiến thuyền của địch. Một
số tướng giặc như Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ Ngọc …bị bắt. Thoát Hoan phải trốn chạy
về nước bằng đường bộ Tư Minh…
Chiến thắng Bạch
Đằng không chỉ nhấn chìm hàng chục vạn quân giặc, mà còn nhấn chìm cả ý đồ xâm
lăng của chúng:
“Lính già từng trải mùi chinh chiến,
Nghe đến Nam Chinh ủ mặt mày”
(Ung Châu – Nguyễn Trung Ngạn)
Vua Trần Nhân Tông không chỉ là bậc quân vương có
biệt tài lãnh đạo giữ nước, mà việc trị quốc yên dân cũng có những nhạy bén, giải
quyết thấu đáo mọi việc từ nội trị đến ngoại giao.
Sự nhìn nhận sáng suốt để tìm người hiền tài,
gánh vác đại sự trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, càng chứng minh nếp
nghĩ hơn người của Hoàng đế Nhân Tông khi mà tiến phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc
Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế. Sau quá trình gian lao vào sinh ra tử, thấy rõ đức
độ, tài năng, nhất là ý thức Trung và Hiếu hết sức đúng mực của Hưng Đạo Vương
mới rõ thêm tài năng của đức Vua - một con người “Xem trải mọi sách, thông nội ngoại điển”. Càng kính trọng bản lĩnh
“Trị quốc - Bình thiên hạ” của đấng
quân Vương trẻ trung và tài đức.
Sau thời
gian chiến tranh, đôi ba lần mùa màng thất bát, nhân dân nhiều người phải bán
ruộng đất, thậm chí bán cả con trai, con gái đi làm nô tì. Trước tình cảnh đó
Vua Trần Nhân Tông xuống chiếu chẩn cấp và miễn thuế cho dân nghèo …
Ngày 9 tháng 3 năm Quý Tỵ 1293 Vua Trần Nhân
Tông nhường ngôi cho con là hoàng tử Thuyên, tức Hoàng đế Trần Anh Tông, lên
làm Thái thượng hoàng.
Tháng 8 - 1299,
Thượng hoàng xuất gia, lên núi Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành và sáng lập ra Thiền
phái Trúc Lâm, mang pháp danh là Điều Ngự Đầu Đà hay Hương Vân Đại Đầu Đà,
thưòng gọi là Điều Ngự Giác Hoàng – dòng thiền mang tính nhập thế, tính dân tộc,
tính nhân bản rất cao và do uy tín của Trúc Lâm đệ nhất tổ nên đã quy tụ được mọi
tông phái Phật giáo Đại Việt thành một tổ chức Phật giáo thống nhất của cả nước.
Theo sách Trúc Lâm tôn chỉ nguyên
thanh của Ngô Thì Nhậm, thì Yên Tử là nơi có một vị trí quân sự quan trọng,
là vọng gác tiền tiêu của đất nước và Trần Nhân Tông khoác áo cà sa đến đây tu
hành là để làm nhiệm vụ của một người "lính Biên phòng". Sách đó có
đoạn viết: "Mọi người thấy đức Điều
Ngự là tổ thứ nhất khi ra ở chùa Hoa Yên (tức chùa Yên Tử) thì cho là ngài xuất
gia, nhưng có biết đâu đương lúc bấy giờ đức Tổ ta biết lấy thiên hạ làm của
công...Xét thấy Yên Tử là một ngọn núi cao, phía Đông
có thể nhòm mặt tỉnh Yên, tỉnh Quảng; phía Bắc có thể trông tới Lạng Sơn, Lạng
Giang, nên mới dựng tự viện, thường qua lại xem chuyện động tĩnh, khiến cho
quân giặc ở ngoài không thể gây những việc đáng lo ngại. Đó thực là Vô lượng lực
Đại thế chí Bồ Tát vậy...".
Năm 1301, với
cương vị một đại sư, Ngài đã vân du nhiều nơi rồi sang thăm Chămpa, đi và về
trong 8 tháng. Chính trong cuộc viếng thăm đặc biệt này, Ngài đã hứa gả
công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Cuộc hôn nhân đó đã được thực hiện năm
1306, Vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân và Chămpa đem
hai châu Ô, Lý làm lễ vật dẫn cưới. Một quyết sách ngoại giao của Thượng hoàng
Trần Nhân Tông sau khi xuất gia đã được thực thi không phải chỉ dẫn đến sự mở rộng
lãnh thổ về phía Nam, mà kết quả quan trọng bậc nhất là thắt chặt quan hệ bang
giao, tin cậy giữa hai nước láng giềng …Dân gian đã để lại đôi câu đối tán tụng
công đức của các Vua Trần ở cổng Ngũ môn – đền Trần – phường Lộc Vượng – TP Nam
định như sau:
“Bảo quốc hộ dân ngoại tặc chí kim do bạch phát
Nhân hòa đức trị nội bang tự cổ hạ hoàng ân”
Dịch nghĩa: “Giữ nước an dân giặc ngoại tới nay đầu khiếp trắng
Dùng nhân lấy đức khắp nơi từ trước thấm ơn
Vua”
Chùa
Phổ Minh – phường Lộc Vượng – TP Nam Định
Là một vị
Vua yêu nước và anh hùng, là Đệ nhất Tổ của Trúc Lâm tông phái, Đức quân vương
Trần Nhân Tông đã góp phần to lớn vào việc xây dựng Đại Việt trở thành một quốc
gia có nền văn hóa, văn minh độc lập và trở nên hùng mạnh ở thế kỷ thứ XIII –
XIV.
Hơn 700 năm đã
trôi qua, lịch sử Việt Nam luôn tri ân công đức của Ngài, vì những cống hiến to
lớn cho đất nước, dân tộc Việt Nam ngưỡng mộ vị Vua anh minh, hiền đức, Phật
giáo Việt Nam tự hào về một ông “vua Phật” – đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân
Tông.
Sưu tầm, biên tập
Vũ Thị Tuyết Mai
BQL khu DTLSVH Đền Trần
– Chùa Tháp TP Nam Định
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, NXB văn học, Hà Nội,
2006
2. Mười vị Hoàng đế nhà Trần, Sở VHTT Nam Định, 2008