Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đức Vua-Phật Hoàng Trần Nhân Tông và những đóng góp đặc sắc cho nhân loại.
Lượt xem: 13276

Hướng tới kỷ niệm 712 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông Nhập niếp bàn, ngày 03/11 năm Canh Tý ( ngày 16/12/2020), tác giả sưu tầm, biên tập lại một số đóng góp nổi bật của Đức vua- Phật Hoàng Trần Nhân Tông và trân trọng gửi tới bạn đọc.

Đức vua Trần Nhân Tông lên ngôi năm 20 tuổi (1278), năm 35 tuổi nhường ngôi cho con và làm Thái thượng hoàng (1293), năm 40 tuổi (1298) lên Yên Tử đi tu, năm 50 tuổi thì mất (1308). Trong thời gian ông làm vua, Việt Nam phải hai lần chống trả đại quân xâm lược của Nguyên – Mông (1285 và 1288). Với tư cách là người đứng đầu triều đình, ông hiểu rõ sự gian khổ và quật cường của nhân dân mình, đồng thời thấy rõ và thực hiện được trách nhiệm của người làm vua. Ý thức trách nhiệm này được thể hiện ngay cả khi ông là nhà tu hành. Chỉ có khác là ở hoàn cảnh biểu hiện mà thôi.

Trong giai đoạn làm vua thì biểu hiện đó là trách nhiệm của con người trần thế, trong giai đoạn đi tu thì đó là trách nhiệm của con người tu hành còn mang nặng việc đời.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại Chùa Phổ Minh (Nam Định)

Trong thời kì làm vua, Trần Nhân Tông là con người quyết đoán, có nhiều sáng tạo trong tư duy và hành động. Khi giặc tiến đánh Thăng Long, ông không cố thủ với thành mà cùng vua cha rút ra khỏi kinh thành rồi tổ chức lực lượng đánh lại. Ông đã cùng với vua cha tổ chức nên hai cuộc hội nghị chưa từng có trong lịch sử, đó là hội nghị các tướng lĩnh ở Bình Than bàn mưu kế đánh giặc, và hội nghị các bô lão có thế lực trong cả nước ở điện Diên Hồng, Thăng Long để tạo nên một ý chí, một khí thế quyết chiến. Tố chất quyết đoán và sáng tạo đó đã giúp ông tạo nên những nét mới trong thiền phái của mình.Việc thiên hạ, việc đất nước thực sự vẫn còn tác động đến ông trong lúc ông đã ngả về phía tu hành theo đạo Phật.

Bên cạnh vấn đề giang sơn đất nước, Trần Nhân Tông còn đặt nặng vấn đề đạo làm người. Khách quan mà nói, là Phật tử, Trần Nhân Tông phải nói tới đạo làm người của Phật giáo, như nói: “dứt trừ nhân ngã”, “hết tham sân”, “biết chân như”, “tin bát nhã”, v.v… Hoặc nói người Phật tử phải bắc cầu cho người sang sông, chở đò cho người tới bến, phải biết hi sinh thân mình để cứu vớt người khác, phải biết từ bi tế độ, “dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; săn hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc”, v.v… Đó là những nguyên tắc làm người cao cả của Phật giáo mà con người trong xã hội cần thiết phải tuân theo. Nhưng ông không quên đưa đạo làm người của Nho giáo, một đạo làm người mang tính nhập thế vào trong tư tưởng của ông.

Từ trong Nho giáo, ông lưu ý con người phải coi trọng thái độ đối với vua, với thầy học và với cha (quân, sư, phụ). Ông nói: “Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”, “Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo” (tức chưa báo đáp được), “vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo”. Ngoài ra ông còn nhấn mạnh vai trò của tư tưởng nhân nghĩa đối với con người. Ông nói: “Dầu hay mến thửa nhân nghì (nhân nghĩa), ba phiến ngói yêu hơn lầu gác” (Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ hai), “Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca” (Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ tư). Tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo ở đây đã trở thành một phạm trù của đạo đức Phật giáo, của Thích Ca!

Đạo đức từ bi của Phật giáo và đạo đức tông pháp của Nho giáo vốn là hai lĩnh vực có tính chất khác nhau, nhưng tư tưởng nhập thế của ông đã khiến cho hai loại đạo đức đó nhập lại làm một, ở đó không những không chống đối nhau mà còn hỗ trợ cho nhau để trở thành một đạo đức hoàn thiện, cần thiết cho con người lúc bấy giờ.

Để người đương thời chấp nhận tư tưởng của mình, Trần Nhân Tông chủ trương hướng tới cái thực tế, xa lánh cái siêu hình. Những gì mang tính chất siêu hình, dù đó là cái cao siêu có ích cho tư duy con người của Phật giáo, ông cũng bỏ qua, cho rằng không cần phải khổ công ghi nhớ. Chẳng hạn trong các kinh Phật hay dùng bốn câu: khẳng định, phủ định, phức khẳng định, phức phủ định để phân loại hình thức của các pháp, hoặc giải thích các loại nghĩa lí, gọi là “hữu cú”, “vô cú”, hoặc “tứ cú phân biệt”, ông đều cho đó là phiền phức, vô căn cứ và vô ích. Nhận thức này giúp sự truyền đạt chú trọng thực tế của ông dễ đi được vào lòng người.

Đương thời có một số nhà Phật học có  thế lực, muốn tạo ra một khuynh hướng mới trong tập thiền và truyền thiền, như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhưng họ không làm được. Trần Thái Tông thì chưa tạo được nét riêng, Tuệ Trung Thượng Sĩ thì quá tự do, phóng khoáng, ít người theo kịp. Chỉ có Trần Nhân Tông với xu hướng nhập thế của mình, đã đáp ứng được yêu cầu của đương thời, nên nhiều người tin theo và trở thành một Thiền phái.

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Từ nhỏ vua Trần Nhân Tông đã quan tâm đến Phật giáo, nhưng khi lên nắm chính quyền, vấn đề đầu tiên là phải bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của tổ quốc. Vì thế, có thể dễ dàng thấy rằng vua Trần Nhân Tông phải tập trung suy nghĩ những vấn đề chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự của đất nước. Phải đưa ra được một sách lược tổng quát để có thể chiến thắng trong cuộc chiến đấu với kẻ thù. Trong các đội quân tiến đánh quân Nguyên của vua Trần Nhân Tông có những người thuộc dòng dõi thân vương như Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tung ; có những người xuất phát từ dân thường như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái ; nhưng cũng có những người là nô tỳ như Yết Kiêu, Dã Tượng; có những người còn rất trẻ như Trần Quốc Toản, nhưng cũng có những người rất già như các vị bô lão tham gia hội nghị Diên Hồng với tiếng hô “quyết chiến”; có những người thuộc các dân tộc thiểu số, như Hà Đặc, Hà Chương, có những đạo sĩ ngoại quốc như Hứa Tông 

Đạo, thậm chí có những người là tướng tá của kẻ thù như Trương Hiển, có được một sự tập hợp rộng rãi các thành phần dân tộc khác nhau như thế phải xuất phát từ một chính sách đoàn kết rộng lớn. Nhưng chính sách đoàn kết này chỉ có thể thực hiện được, khi người dân và người lãnh đạo đất nước có cùng chung một quyền lợi để bảo vệ và một đối tượng để chiến đấu.

Dòng thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông thành lập đã có những tác động to lớn đối với lịch sử dân tộc và Phật giáo và được kế thừa liên tục thậm chí cho đến ngày nay. Đây không những là một dòng thiền do một người Việt Nam sáng lập, mà dòng thiền này còn có những điểm đặc biệt về học lý và thực tiễn tự tập

Tại trường đại học Harvard, Mỹ, Học viện Trần Nhân Tông đã long trọng tổ chức lễ trao Giải thưởng quốc tế mang tên Trần Nhân Tông. Đây là lần đầu tiên một giải thưởng tầm vóc quốc tế được mang tên một nhân vật lịch sử Việt Nam độc đáo, đại diện cho tính minh triết và lòng nhân ái, được trao công khai trong một môi trường quốc tế tập trung các nhân sĩ trí thức danh giá của Hoa Kỳ và thế giới. Thúc đẩy, ứng dụng những tư tưởng nhân ái, giàu trí tuệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông vào cuộc sống, quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Trần Nhân Tông trên toàn thế giới. Giải thưởng Trần Nhân Tông được trao tặng thường niên cho những người có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp hòa giải, yêu thương và hướng thiện trên thế giới. Như vậy tư tưởng nhân ái và đoàn kết của vua Trần Nhân Tông đã vượt ra ngoài phạm vi quốc gia vươn tầm ra thế giới.

Người sưu tầm, biên soạn

Vũ Thị Hoàng Lan

Ban QLDT Lịch sử- Văn hóa Đền Trần, Chùa Tháp.

Tài liệu tham khảo:

- Đại Việt sử kí toàn thư, tập II, Nxb. KHXH, HN, 1993

- Tạp chí nghiên cứu tôn giáo số 11-2009

 


Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định
Giấy phép số 100/GP-TTDT do Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ thông tin truyền thông cấp ngày 14/5/2010
Đơn vị chủ quản: UBND thành phố Nam Định Trụ sở: Số 10 Đường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định
Tel:0228.3849224 - Fax: 0228.3831922 - Email: tpthanhpho@namdinh.gov.vn

Thiết kế VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang