Kỷ niệm 724 năm ngày hóa
của Đức Thánh Trần là dịp để ôn lại lịch sử, những tư tưởng và bài học điển hình về lòng
dân, sức dân, thân dân, dân là gốc… Tư tưởng và hành động của Ngài là một trong
những cội rễ không chỉ góp phần quyết định những chiến công vang dội chống giặc
ngoại xâm, bảo vệ nguyên vẹn bờ cõi của dân tộc mà còn làm rực sáng và vẻ vang
một nền chính trị quân chủ nhân nghĩa, thân Dân của triều đại nhà Trần trong
toàn bộ dòng chảy tư tưởng chính trị Việt Nam.
Triều đại nhà Trần ghi
nhiều dấn ấn đặc biệt trong cuộc kháng chiến
chống quân xâm lược Mông Nguyên ở thế kỷ XIII. Ngoài những chiến công hiển hách
với nhiều trận đánh dành thắng lợi vang dội…, nhà Trần còn có một động thái
chưa từng có tiền lệ, ngay trong chế độ quân chủ tập quyền: Mở một hội nghị
mang tính dân chủ - đó chính là Hội nghị Diên Hồng.
Vào
nửa đầu thế kỷ XIII, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của
nước ta bị uy hiếp nghiêm trọng bởi âm mưu thôn tính, xâm lược của đế
quốc Mông - Nguyên. Khi ấy, những đạo kỵ binh viễn chinh Mông Cổ đã
chinh phục, nô dịch nhiều nước từ châu Âu đến châu Á. “Giấc mơ” một đế
quốc Mông - Nguyên rộng lớn từ bờ Hắc Hải đến bờ Thái Bình Dương
được giai cấp quý tộc phong kiến Mông Cổ từng bước thiết lập. Tiến
hành chiến tranh xâm lược nước ta, đế quốc Mông - Nguyên coi Đại Việt
nhỏ bé chỉ là “bọ ngựa” trước cỗ xe xâm lược khổng lồ của chúng.
Sứ giả Mông Cổ ngang nhiên đòi vua nhà Trần phải mở đường cho chúng
đi qua để thôn tính các nước khác ở Đông Nam Á.
Năm 1279, quân Mông Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn
(thuộc Quảng Đông, Trung Quốc). Quân Tống thua trận, Tả thừa tướng nhà Tống là
Lục Tú Phu cõng Vua Tống nhảy xuống biển tự vẫn; hậu cung cùng quan lại, binh
lính chết theo rất nhiều, theo sử sách ghi có đến mấy vạn người. Nhà Tống bị
diệt vong. Ngọn lửa chiến tranh đang cận kề biên giới Đại Việt.
Năm 1281, Vua Trần Nhân Tông từ chối lệnh vào chầu của
Vua Nguyên, cử chú họ là Trần Di Ái và Lê Mục, Lê Tuân đi sứ nhà Nguyên. Nhà
Nguyên lập Di Ái là lão hầu, Lê Mục là hàn lâm học sĩ, Lê Tuân là thượng thư;
đồng thời sai Sài Xuân đem cả nghìn binh lính hộ tống nhóm này về Đại Việt.
Động thái này của nhà Nguyên nhằm đe dọa Vua nhà Trần là nếu không nghe lời
(đầu hàng) thì chúng sẽ lập vua và bộ máy cai trị Đại Việt mới.
Tháng 10/1282, nhà vua mở Hội nghị Bình Than nhằm họp
tướng lĩnh, các nhà quý tộc, quan lại bàn kế giữ nước và phân công nhiệm vụ
trấn giữ các khu vực trọng yếu. Trước đó, Vua phục chức Phó tướng cho Trần
Khánh Dư, một tướng tài bị phạt đòn và giáng chức trước đó.
Tháng 7/1283, Thái tử Nguyên là A Đài và Bình chương A
Lạp tập hợp 50 vạn quân ở xứ Hồ Quảng chuẩn bị chiến tranh xâm lược Đại Việt.
Đến tháng 10, Vua Trần Nhân Tông phong cho Trần Quốc Tuấn là Quốc công tiết chế
thống lĩnh chư quân; đồng thời cho tập trận với cả quân thủy lẫn quân bộ.
Tháng 8/1284, Trần Quốc Tuấn điều động các Vương hầu để
đại duyệt binh ở bến Đông, phân công nắm giữ các vị trí trọng yếu. Trong thời
gian này, vị tổng chỉ huy quân đội nhà Trần viết Hịch tướng sĩ nhằm khơi dậy
tinh thần yêu nước của các tướng lĩnh, những nhân vật trọng yếu trong chiến
tranh. Lời hịch mạnh mẽ có tính khơi gợi, thúc giục và tính cảnh báo, răn đe
trước họa mất nước: “Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc "đặt mồi
lửa dưới đống củi nỏ" làm nguy; nên lấy điều "kiềng canh nóng mà thổi
rau nguội" làm sợ. Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho
ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu
Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhaị…” (Hịch
tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn)
Đến tháng 12/1284, nhà Trần nắm được tin báo về từ nước
Nguyên: Vua Nguyên sai Thái tử là Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Bình chương là A
Lạt và bọn A Lý, Hải Nha mang quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành để xâm
lược nước ta.
Chỉ sau khi nhận tin giặc đã khởi động chiến tranh,
Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở Hội nghị Diên Hồng, mời các vị bô lão trong
nước họp, hỏi kế sách giữ nước và cho ý kiến về chủ trương chiến đấu hay hàng
giặc. Tại Hội nghị, Thượng hoàng đích thân ban yến tiệc cũng như hỏi ý kiến các
vị bô lão: “nên đánh hay nên hòa?”
Một
đời thân phận thấp hèn, tay bùn chân lấm, nay bỗng dưng được triều đình mời vào
tận Hoàng cung để bàn việc “quốc gia đại sự”, tinh thần của các vị bô lão phấn
chấn khác thường. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Các cụ bô lão đều nói
đánh, muôn người cùng một tiếng, muôn lời như bật ra từ một miệng”
[if !vml]
Tranh vẽ
cảnh các bô lão trong Hội nghị Diên Hồng.
Về cuộc hội nghị độc đáo này, sử thần
Ngô Sỹ Liên có lời bàn như sau: “Giặc Hồ (giặc Mông Nguyên) vào cướp là nạn
lớn của đất nước. Hai Vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn, há lại không có kế sách gì
chống giặc mà phải đợi ban yến rồi hỏi kế sách ở các bô lão hay sao? Ấy là bởi
Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân và cũng để dân nghe
lời dụ hỏi mà cảm kích rồi hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa của cổ
nhân, kính dưỡng người già để xin lời hay vậy ...”
Trong
tình thế chiến tranh, nhà Trần đã chuẩn bị rất kỹ để chuẩn bị bước vào cuộc
chiến khốc liệt, như đã họp bàn mưu kế ở hội nghị Bình Than, phân công nhiệm vụ
cho tướng lĩnh, tập trận, duyệt binh, ra lời hiệu triệu chư tướng… Hội nghị
Diên Hồng là bước chuẩn bị cuối cùng: Tìm sự ủng hộ của nhân dân. Đây cũng là
dịp nhà Vua truyền đạt những tư duy kháng chiến có thể nói là rất đặc thù của
Việt Nam: Toàn dân chống giặc. Trong thời kỳ Ngô Quyền, việc cắm cọc
nhọn trên sông Bạch Đằng có sự giúp đỡ của người dân thường. Thời nhà Lý, đông
đảo người dân cũng góp phần xây dựng chiến lũy sông Như Nguyệt…
Dưới
thời nhà Trần, sự “hợp đồng tác chiến” giữa triều đình và nhân dân được nâng
cao lên một bậc. Nhà Trần, ngoài quân đội của triều đình còn có quân của các
quý tộc, như quân của Trần Quốc Toản, của dân binh cả miền xuôi và miền ngược
dưới một sự chỉ huy thống nhất. Người dân cũng tham gia làm hệ thống cọc nhọn
trận chiến sông Bạch Đằng… Nhân dân đã đồng lòng trong mọi chủ trương kháng
chiến của triều đình, như việc thực hiện kế “thanh
dã” (vườn không nhà trống) khiến giặc cướp được đất nhưng không cướp được
lương thực. Quân Mông Nguyên điều động nhiều tướng giỏi với 50 vạn quân tràn từ
biên giới phía Bắc xuống và từ mạn Nam ra (đội quân của Toa Đô đi đánh Chiêm Thành
3 năm trước đó) với thế công hung hãn. Quân đội nhà Trần buộc nhiều lần phải
lui binh, trong đó có lần từ Thiên Trường về Thanh Hóa tránh kìm kẹp của giặc
trong mối hiểm nguy gang tấc. Những đợt lui binh và ẩn thân đó chắc chắn phải
được nhân dân che chắn, giữ bí mật và cung cấp thêm lương thảo.
Đặc
biệt, trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ 2, trong Nguyên sử
có ghi: “...Quân nhà Trần càng đánh càng đông...” Đây là chi tiết chứng tỏ người dân nghe lời
hiệu triệu của triều đình sẵn sàng tòng quân giết giặc. Bởi thế, trong ngày đầu
kháng chiến ác liệt, vua Trần Nhân Tông mới có lời thơ tự hào và cũng là tự
động viên mình, cùng động viên tướng sĩ:
“Cối Kê cựu sự quân tu ký
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh”
(nhắc
lại chuyện cũ thời Xuân Thu Chiến quốc khi Việt Vương Câu Tiễn thất trận, chỉ
còn một nghìn quân, lui về Cối Kê ẩn nhẫn mà còn đánh bại được Ngô vương Phù
Sai... So sánh với hiện tại, Vua Trần Nhân Tông ngoài các đạo quân đang tham
chiến ở mạn Đông Bắc, vẫn còn mười vạn quân ở Châu Hoan, Châu Diễn). Có niềm
tin vào sức mạnh dân tộc, có niềm lạc quan tất thắng)
Hội nghị Diên Hồng là hình thức Hội nghị đại biểu nhân dân đầu tiên
trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một nhân tố quan trọng để giành thắng lợi trong
cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên vào thế kỷ thứ XIII. Cùng với các hoạt
động chuẩn bị kháng chiến về mặt Quân sự, các hoạt động như Hội nghị Diên Hồng
đã khơi dậy được lòng yêu nước truyền thống của dân tộc, từng bước biến quyết
tâm kháng chiến của triều đình, giới vương hầu quý tộc thành quyết tâm kháng
chiến của các bô lão và của toàn dân.
Hội nghị Diên Hồng có tác dụng thăm dò cũng
như xác định mức độ căm phẫn của nhân dân đối với kẻ thù. Từ đó có thể nhận ra
được mức độ nhân dân ủng hộ chính quyền. Qua đó đo lường được nội lực, sức mạnh
của quân và dân ta trước khi vạch ra chiến lược chiến tranh.
Không những thế, hội nghị Diên Hồng còn có
tác dụng đoàn kết nhân dân cả nước. Củng cố và làm lớn mạnh mối quan hệ nhân
dân – chính quyền. Cho thấy dù người dân có địa vị thấp nhưng tiếng nói và sức
mạnh của họ vẫn được triều đình trọng dụng
Hội nghị tôn trọng bô lão - tầng lớp có sức
ảnh hưởng lớn trong xã hội thay thế chính quyền - làm người tuyên truyền phổ
biến đường lối, chủ trương của bậc quân vương. Được các bô lão đả thông tư
tưởng, quần chúng nhân dân tự nguyện cống hiến cho Nhà nước. Từ đây tạo ra sự
đồng thuận cao trong xã hội.
Đây cũng là công cụ đắc lực trong việc nắm
lòng dân, củng cố thêm sức mạnh cầm quyền của Vua nhà Trần. Hội nghị giống như
hội nghị của nhân dân, nơi mà nhân dân được đóng góp ý kiến vào vận mệnh tương
lai của mình. So với việc sống dưới chân thiên tử, tính mạng do Vua quyết định
thì để họ tự bảo vệ chính mình bằng con đường đứng lên kháng chiến sẽ khiến dân
chúng phấn khởi hơn.
Thực tế, trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Mông
Nguyên, thắng lợi vang dội của nhà Trần là thắng lợi của toàn quân, toàn dân.
Đó là nhờ chính sách trọng dân, tinh thần dân chủ của nhà Vua, của triều đình
mà thể hiện đỉnh cao, rõ nhất là ở hội nghị Diên Hồng, nơi các bô lão nói
riêng, người dân nói chung được bày tỏ ý kiến và thể hiện lòng yêu nước nồng
nàn của mình. Hội nghị giống như lời hiệu triệu của cả dân tộc, thể hiện tinh
thần đoàn kết, tinh thần yêu nước và ý chí không khuất phục trước bất cứ kẻ thù
nào.
Hội nghị Diên Hồng là một sáng tạo rất độc đáo
của nhà Trần, là biểu hiện của ý thức tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của
toàn dân. Kể từ đó hai chữ Diên Hồng đã trở thành biểu trưng cho ý chí thống
nhất của một dân tộc, thể hiện sự đồng lòng nhất trí giữa Nhà nước với người
dân trong mối quan hệ Vua - tôi, trên - dưới... Hội nghị Diên Hồng cũng mang ý
nghĩa như một nguyên lý tạo nên sức mạnh dân tộc trước những thử thách của lịch
sử và trong chừng mực nào đó cũng biểu hiện nhân tố cận dân, thân dân.
Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, một lần nữa
tinh thần của Hội nghị Diên Hồng lại được thể hiện tại Quốc Dân đại hội họp ở
Tân Trào (Tuyên Quang), với sự có mặt của đông đảo đại biểu đến từ nhiều địa
phương của cả nước, để từ đó ban hành lệnh tổng khởi nghĩa, làm lễ xuất quân,
thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc trên cơ sở cương lĩnh của Mặt trận Việt
Minh nhằm mục tiêu giành độc lập dân tộc và lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ
cộng hòa.
Thế hệ những người làm nên cuộc cách mạng này
hẳn đều được sống trong hào khí của những ngày tiền khởi nghĩa, những âm thanh
gợi lại trang sử hào hùng của ông cha, trong đó có ca khúc Hội nghị Diên Hồng
của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cùng nhóm cộng sự của mình (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn
Bộ). Ca từ “Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến? - Quyết chiến!/Thế nước
yếu lấy gì lo chiến chinh? - Hi sinh!”. Và hình ảnh tượng trưng cho cuộc
tổng khởi nghĩa diễn ra tại Bắc bộ phủ cũng gắn liền với một công viên phía
trước ngay từ ngày đó đã được đặt tên là Vườn hoa Diên Hồng.
Rồi trong thời kỳ tiến hành kháng chiến chống
Mỹ cứu nước, âm hưởng của bài hát này một lần nữa lại vang lên trên các đô thị
ở miền Nam trong các cuộc xuống đường đấu tranh đòi thống nhất đất nước và
chống sự can thiệp của các thế lực ngoại bang.
Ngay cả trong thử thách của đời sống gia đình,
dòng họ, doanh nghiệp..., đứng trước những khó khăn cần đến sự đồng thuận của
mọi thành viên, dù nói ra thành lời hay không thì tri thức về “Hội nghị Diên
Hồng” cũng trở thành một ý niệm trong tâm thức của mọi người về sức mạnh đoàn
kết, nhân tố để vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Giờ
đây, tên gọi “Phòng họp Diên Hồng” được đặt cho hội trường trung tâm dành tổ
chức các phiên họp toàn thể trong Tòa nhà Quốc hội, ý niệm về một “Hội nghị
Diên Hồng” của thời Trần hơn bảy thế kỷ trước đã trở nên gần gũi với ý niệm về
dân chủ, về một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” của xã hội hiện đại.
[if !vml]
Phòng họp Diên Hồng hay còn gọi là phòng họp
chính - nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội để bàn thảo, quyết định
những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Lòng
dân là sức mạnh nội sinh của mỗi quốc gia, dân tộc. Với quan điểm nhất quán:
lòng dân là bức tường thành vững chắc nhất trong sự nghiệp giữ nước của dân
tộc, nhà Trần đã phát huy cao nhất sức mạnh từ nhân dân - sức mạnh lòng dân -
nhờ đó đã ba lần đánh bại đạo quân xâm lược Mông - Nguyên hùng
mạnh nhất bấy giờ, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự chủ của nước nhà.
Ngày
nay, xây dựng đất nước trong thời bình, điều này càng cần hơn bao giờ
hết. Vì thế, chúng ta phải thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn
dân tộc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tiếp tục phát huy
truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội,
khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát
vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần
thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có
công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát
triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”
Hơn 700
năm đã đi qua, hậu thế hôm nay vẫn luôn nhớ và tỏ lòng kính trọng, khâm phục
tiền nhân bởi tinh thần dân chủ của Hội nghị Diên Hồng. Mãi mãi “Hội nghị
Diên Hồng” sẽ ăn sâu và trao truyền trong tâm thức của người dân Việt Nam như
một sức mạnh của truyền thống gắn liền với mục tiêu phấn đấu cho nền dân
chủ hiện đại.
Sưu tầm, biên tập
Vũ Thị Tuyết Mai
BQL khu DTLSVH Đền Trần – Chùa Tháp TP Nam
Định
Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, NXB
Văn học:
- Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, NXB Chính trị Quốc gia -
Sự thật.