Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA.
Lượt xem: 11256

Huyền Trân công chúa sinh năm Đinh Hợi (1287) mất ngày 9 tháng Giêng  năm Canh Thìn (1340), là công chúa duy nhất của vua Trần Nhân Tông và Thái hậu Khâm Từ bảo Thánh. Dưới đây, tác giả xin được chia sẻ cùng bạn đọc một số thông tin về công chúa Huyền Trân để chúng ta một lần nữa thấy được đức hy sinh cao cả vì non song xã tắc của một “lá Ngọc- cành Vàng” vương triều Trần.

Dưới các triều vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông việc bang giao giữa nước ta với nước Chămpa rất tốt đẹp. Tháng 8 năm 1294 Thượng hoàng Trần Nhân Tông sau khi dẹp được quân Ai Lao sang cướp phá nước ta, trở về, đi tu ở chùa Vũ Lâm ( Gia Khánh, Ninh Bình), sau này tu ở Yên Tử ( Yên Hưng, Quảng Ninh). Năm 1301, Thượng hoàng  Trần Nhân Tông đã đi du hóa các nơi và vào Chiêm Thành tỏ tình hòa hảo, được vua Chiêm là Chế Mân trân trọng, các vị tu hành trong nước cũng rất kính trọng. Qua bảy, tám tháng tìm hiểu mảnh đất, con người nơi đây thượng hoàng Nhân Tông hài lòng với nền văn hóa cơ sở và rất yêu quý Chế Mân ông vua trẻ anh hùng đã từng đánh bại đội quân xâm lược nhà Nguyên khi chúng đánh vào mảnh đất này định tạo thế gọng kìm tấn công Đại Việt. Người đã hứa gả con gái yêu Huyền Trân cho Chế Mân và hẹn 4 năm sau mang sính lễ sang vì lúc đó công chúa mới 14 tuổi.

Khi trở về Yên Tử, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã trò chuyện với công chúa Huyền Trân về chuyến du hành phương nam, về chuyện ông vua trẻ Chế Mân văn võ song toàn, đồng thời nói việc hứa gả công chúa cho vua Chế Mân. Thượng hoàng Trần Thái Tông còn bảo con gái giơ bàn tay lên và bảo: “con có thấy trên bàn tay có hình bóng của Phụ hoàng và Thái hậu không”. Người lại nói tiếp: “trên bàn tay con không những có ta, có mẹ con mà còn có cả giống nòi đất nước”.

Câu nói đầy ý nghĩa khiến Huyền Trân hiểu ra trọng trách mà phụ hoàng giao phó, phụ hoàng tin tưởng đặt gánh nặng trên vai con gái nhỏ để tránh cho hai dân tộc khỏi thảm cảnh binh đao. Công chúa hiểu điều đó nên mọi thắc mắc lo âu của nàng bỗng tiêu tan, nàng thầm hứa sẽ làm tròn phận sự mà thượng hoàng cũng như vua Anh Tông và cả dân tộc trông đợi.

Năm 1305, Chế Mân sai Chế Bồ Đài và hơn trăm người đem dâng tờ biểu, vàng ngọc, kỳ hương và các phẩm vật lạ, làm lễ vật cầu hôn.

Năm 1306, Chế Mân lại xin dâng đất Châu Ô, Châu Lý, làm sính lễ, vua Anh Tông mới quyết cho Huyền Trân công chúa về với vua Champa.

Tháng 6 năm 1306 lễ rước dâu được cử hành một cách trọng thể. Huyền Trân vái lạy Phụ hoàng, Thái hậu Tuyên Từ cùng vua Anh Tông rồi lên đường theo đoàn kiệu rước dâu có cờ quạt, âm nhạc rất đông vui về nước Champa.

Chế Mân cho cả nước mở hội 3 ngày đón mừng cô dâu, Huyền Trân chính thức đăng quang hoàng hậu, nàng được vua rất yêu quý cho đi du hành khắp nơi. Hoàng hậu rất mực quan tâm xót thương cho cuộc sống dân tình còn đói khổ, bệnh tật nên nàng luôn hết lòng giúp đỡ nhân dân nước Champa.

Tuy nhiên, cuộc sống hạnh phúc của Huyền Trân không kéo dài được lâu, tháng 5 năm 1307 Chế Mân đột ngột qua đời. Theo tục lệ nước Champa khi vua băng hà thì hoàng hậu phải lên dàn hỏa thiêu chết theo. Vua Anh Tông biết chuyện sợ công chúa bị hại bèn sai nhập nội hành khiển thượng thư bộc xạ Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn, tháng 10 âm lịch sang Champa mượn cớ làm lễ viếng, tìm kế đưa công chúa về nước. Ngày Huyền Trân lên giàn lửa ở bên bờ biển. Cũng tại nơi có giàn hỏa thiêu, quan Thượng thư Trần Khắc Chung xin lập trai đoàn cầu siêu thoát cho vong hồn vua Chế Mân, đây cũng là kế sách để đưa công chúa Huyền Trân về nước bằng đường biển.

Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, công chúa đã trở về nước, sau đó lên Yên Tử bái yết phụ hoàng Trần Nhân Tông, về quê hương Thiên Trường, lên núi Hổ lập am thờ Phật gọi là Am Nộn Sơn ( núi Hổ hiện nay thuộc làng Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định) . Am Nộn Sơn gần nơi công chúa Thụy Bảo nên 2 bà cháu có thể gần gũi, qua lại thăm hỏi nhau. Công chúa Huyền Trân tu ở đây để tâm hồn thanh thản tránh mọi quyền quý xa hoa. Sau khi công chúa mất, dân làng Hổ Sơn tạc tượng tôn thờ nàng cùng công chúa Thụy Bảo. Hình tượng công chúa Huyền Trân đã trở thành một tấm gương sáng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của vương triều Trần.

 

                                                        

                            Vũ Thị Hoàng Lan

                           BQL Khu di tích LS-VH đền Trần, chùa Tháp, TP Nam Định

 




Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định
Giấy phép số 100/GP-TTDT do Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ thông tin truyền thông cấp ngày 14/5/2010
Đơn vị chủ quản: UBND thành phố Nam Định Trụ sở: Số 10 Đường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định
Tel:0228.3849224 - Fax: 0228.3831922 - Email: tpthanhpho@namdinh.gov.vn

Thiết kế VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang