Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Khởi nguồn ít người biết của lễ khai ấn đền Trần Nam Định
Lượt xem: 6984

Lễ khai ấn ở đền Trần là một lễ hội lớn diễn ra vào đầu mùa xuân, thu hút rất nhiều du khách thập phương đến tham gia. Nhưng không phải ai về xin ấn đền Trần cũng hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa của nghi lễ này.

Theo các tư liệu lịch sử, lễ khai ấn đền Trần bắt đầu được tổ chức vào năm 1239, thời vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần. Đây là nghi lễ cúng tế tổ tiên của các vua nhà Trần tại nơi dòng tộc Trần phát tích là làng Tức Mặc, sau này là phủ Thiên Trường. Trong sự kiện đặc biệt này, các vua Trần còn tổ chức tiệc chiêu đãi và phong hầu cho các vị quan có công với đất nước. Từ khi giặc Nguyên Mông xâm lược thì lễ hội bị gián đoạn, đến năm 1269 mới được vua Trần Thánh Tông mở lại.

Từ đó, lễ khai ấn đền Trần được diễn ra hàng năm vào rằm tháng Giêng, thường vào ban đêm từ 11h ngày 14 tháng Giêng đến 1h ngày 15 tháng Giêng. Khai ấn vào thời điểm này mang ý nghĩa như tín hiệu đánh dấu kết thúc những ngày Tết cổ truyền dân tộc, nhắc nhở nhân dân tiếp tục công cuộc lao động sản xuất.

Nghi lễ trong lễ khai ấn đền Trần rất đặc sắc. Các bậc bô lão truyền lại rằng vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, đúng rằm tháng Giêng, trước sân đền Thượng tổ chức nghi lễ Khai ấn với sự tham gia của bảy làng: Vọc, Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mặc. Tại đền Hạ, các bô lão khoác lên mình áo dài khăn xếp cùng dân làng tề tựu đông đủ để tham dự lễ tế thánh rồi dự lễ khai ấn. 

anh tin bai

Lễ  khai ấn đền Trần mở màn bằng nghi lễ rước kiệu ấn bắt đầu từ sân đền Hạ qua cổng chính tới đền Thượng. Ảnh: VGP/Nhật Nam.

Hòm ấn được đặt nghiêm trang trên bàn thờ, trong hòm có hai con dấu bằng gỗ. Mặt ấn nhỏ khắc chữ “Trần Miếu”, mặt ấn lớn khắc chữ “Trần Triều tự điển” và “Tích phúc vô cương”. Đúng đến giờ Tý thì chủ tế làm lễ ở đền Hạ để xin rước ấn lên kiệu sang đền Thượng, dâng hương cáo thiên địa ở bàn thờ Trung thiên, rước ấn vào nội cung và đặt tại ban công đồng để làm lễ xin khai ấn.

Bồi tế đặt giấy điệp trịnh trọng trước chủ tế. Khi chiêng trống vang lên, chủ tế nghiêm trang đóng ấn mực đỏ vào tập giấy điệp, ghi rõ ngày tháng năm để chữ cuối cùng luôn rơi vào chữ sinh trong thứ tự “sinh - lão - bệnh - tử”. Theo quan niệm dân gian, người xin được tờ giấy điệp có đóng ấn đỏ treo về đền, phủ, từ đường hay tại gia đều trừ được ma quỷ, hóa giải rủi ro và điều xấu, thu hút may mắn và thuận lợi trong đường công danh.

Sang đến sáng ngày 15 tháng Giêng thì tại đền Trần tổ chức lễ rước nước. Chủ tế sẽ xin một nén nhang ở bát hương Tổ cùng 14 nén ở các bát thờ vua rồi cùng cắm vào bát hương công đồng, đặt trên kiệu bát cống. Đoàn phụ giá sẽ mặc lễ phục cờ biển để phụng nghinh kiệu ra đến cổng đền để tế thiên địa, rồi tiếp tục rước kiệu 3 km ra bến Hữu Bị bên bờ sông Hồng.

Đến bến, chủ tế cầm bình đựng nước đưa xuống thuyền hoa để chèo ra giữa sông trong tiếng chiêng trống rộn vang. Chủ tế múc nước đầy bình thì chèo vào bờ, đặt lên kiệu và rước về đền theo đường cũ. Nước trong bình sẽ được múc ra bát đặt lên các ban thờ để tế nước. Sau khi tế xong thì nước sẽ được ban phát cho con dân họ Trần để uống, ghi nhớ tổ tiên.

anh tin bai

Lễ khai ấn đền Trần là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn. Ảnh: VGP/Nhật Nam.

Sáng ngày 16 tháng Giêng, lễ tế cá tiếp tục được tổ chức ở đền Thượng. Cá quả và cá chép (ứng với hai vị tổ họ Trần là Trần Kinh và Trần Lý) được đặt trong thúng nước sơn đỏ, đem tế từ sáng sớm tới trưa thì được phóng sinh ra sông Hồng. Bên ngoài sẽ tổ chức trò chơi dân gian cho dân chúng và du khách.

Như vậy, Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông dựng nước và giữ nước. Bản chất của bốn chữ khắc trên ấn là “Tích phúc vô cương” mà vua Trần ban cho con cháu là muốn muôn dân lan rộng cái phúc, dạy dỗ trăm họ giữ gìn gia phong, kỉ cương, đạo đức, phải tích phúc cho thật tốt, thật đủ đầy thì mai sau lộc hưởng mới bền vững. Đây là ý nghĩa giáo dục sâu sắc của việc ban ấn mà các vua Trần muốn truyền tụng cho con cháu ngàn đời. Vì vậy đây là ý nghĩa răn dạy vô cùng sâu sắc mà tổ tiên để lại cho con cháu muôn đời.

Nguồn gốc đền Trần

Đền Trần là một di tích lịch sử, văn hóa ở làng Tức Mặc, nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Năm 1262, vua Trần Thánh Tông thăng Tức Mặc thành phủ Thiên Trường, tiến hành xây dựng thành đô cùng cung điện nguy nga đồ sộ. Tuy nhiên sau khi nhà Trần suy vong thì các đền đài, cung điện nơi đây trở thành phế tích.

Sau chiến thắng của dân tộc ta trước quân xâm lược nhà Minh, người dân địa phương tưởng nhớ đến công lao của các triều đại vua Trần đã tiến hành tu bổ dựng đền đài ở phủ Thiên Trường để thờ phụng và tổ chức lễ hội hàng năm để tri ân công lao.

Đền Trần ban đầu gọi là nhà thờ Đại tôn. Đến năm 1705 chính thức được gọi là Trần Miếu. Nơi đây có ba công trình kiến trúc chính, gồm: Đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa./.

Nguồn: Báo Tri Thức và Cuộc sống


Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định
Giấy phép số 100/GP-TTDT do Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ thông tin truyền thông cấp ngày 14/5/2010
Đơn vị chủ quản: UBND thành phố Nam Định Trụ sở: Số 10 Đường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định
Tel:0228.3849224 - Fax: 0228.3831922 - Email: tpthanhpho@namdinh.gov.vn

Thiết kế VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang