Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
LỄ GIAO HẢO NHÂN DÂN LÀNG TỨC MẶC VÀ THƯỢNG LỖI.
Lượt xem: 8815

Theo truyền thống xưa, cứ 3 năm một lần đình Tức Mặc và đình Thượng Lỗi (thuộc phường Lộc Vượng, TP. Nam Định) lại diễn ra lễ Rước Giao hảo giữa nhân dân hai làng Tức Mặc và Thượng Lỗi rất trang trọng.

 

Đình Tức Mặc trước giờ hành lễ

 

Đình Thượng Lỗi trước giờ hành lễ

Theo tài liệu dân gian lưu truyền kể về hai vị thành hoàng làng như sau :

Năm 111 trước Công nguyên, Nhà Hán thời kỳ hưng thịnh, bành trướng ra cả bốn phương, chúng lập nước ta thành bộ giao chỉ, gồm 9 quận và nhiều huyện.

Bọn quan lại đô hộ ra sức bóc lột dân ta nộp các của cải, vật lạ ở phương nam như: Ngà voi, sừng hươu, lông chim trả, ngọc châu, vàng bạc.....Bộ thuế nặng nề, đất đai tư nhân bị chiếm đoạt.

Vào những năm đầu sau Công Nguyên, ở Thôn Thượng Khu, trang Đông Mặc sau này thuộc huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, Trấn Sơn Nam có một người họ Phạm tên Khang, vợ là Trương Thị Đức, tuổi ngoài 40 mà chưa lần nào sinh đẻ. Một ngày nhàn hạ, bà Trương Thị Đức nằm nghỉ trong phòng, mộng thấy một người cho một bông hoa đang nở, từ đó mang thai, đủ ngày đủ tháng sinh hạ một nàng con gái, ông bà đặt tên là nàng Côn. Lớn lên nàng Côn nhan sắc tuyệt trần, thông hiểu các môn cầm kỳ, thi họa, lại giỏi nghề cung kiếm. Lúc ấy tướng giặc Hán là Tô Định nghe danh của nàng, rắp tâm quyết chiếm bằng được mỹ nữ về làm vợ. Hắn cho người dâng lễ vật đến nhà nàng, bị ông bà Khang từ chối, Tô Định tức tối điên cuồng, bắt giam ông Khang.

Ông mất khi ở trong ngục, chẳng bao lâu bà Khang vì thương nhớ chồng lâm bệnh qua đời. Nợ nước thù nhà, Phạm Thị Côn gia nhập nghĩa quân Hai Bà Trưng. Nàng về thôn xóm của mình, chiêu mộ được 2.000 quân sĩ đi theo Hai Bà Trưng.

Trận thắng đầu vang dội, Hai Bà Trưng xưng Vương sắc phong cho Phạm Thị Côn là Vương Thục Côn công chúa. Năm 43, giặc Hán lại một lần nữa cho quân tràn vào bờ cõi nước ta, thế giặc quá mạnh, bị tướng giặc Mã Viện truy đuổi, Hai Bà Trưng chống trả quyết liệt rồi hy sinh ở sông Hát (tỉnh Hưng Yên).

Đại nữ tướng Vương Thục Côn công chúa cùng đám quân sĩ còn lại chạy dọc theo dòng sông Hồng cầm cự về đến quê, sau khi bắn hết cung tên, phi ngọn lao cuối cùng, nữ anh hùng cùng đám quân nữ trẫm mình xuống bến Đò Chè. Nàng về báo mộng cho dân làng. Nhân dân lập miếu thờ bà ngay trên triền đê, tại xứ Quần Nghi, thôn Thượng Lỗi.

Năm 1138, thời nhà Lý, vua Lý Anh Tông cử Luân Công Đại tướng quân quê ở Vụ Bản sang đánh giặc nước Ai Lao. Vị đại tướng trước giờ xuất trận, đi ngang qua thôn Thượng Lỗi, thấy nơi đây hoang vu, gió thoảng mây bay, dặt dìu mê hoặc, hương thơm bảng lảng từ đâu đưa tới quấn quyện hồn người, nhìn kỹ thì ra trong ngút ngàn lau sậy thấp thoáng có ngôi miếu nhỏ.

Ông dừng chân, nghe người dân trong thôn kể về sự tích ngôi miếu, vị tướng không khỏi xao lòng, bùi ngùi thương cảm phận  nhi nữ mà chí khí anh hùng. Ông quyết định dựng lều, cắm trại một ngày tại nơi đây. Đêm đó, vị tướng quân thắp mấy nén hương thơm, lòng thành cầu khấn.

Quả nhiên linh ứng, Luân Công Đại tướng quân dẹp tan quân giặc. Trên đường thắng trận trở về, đi qua ngôi miếu, như có một sợi dây vô hình níu giữ, ông xuống vái lạy, rắc hoa, đổ rượu, kết nghĩa chị em. 

Vậy là  khoảng 1000 năm sau, Vương Thục Côn công chúa có người em kết nghĩa là Luân Công Đại tướng quân. Sau này, khi lui chốn quan trường ông cùng 10 vị bô lão trong một lần lên Điệp Sơn Tiên (ngọn núi Tiên) ở Ninh Bình vãn cảnh không trở về.

Thôn Thượng Lỗi đã tôn thờ Luân Công đại tướng quân làm thành Hoàng và nhất tâm thêm một bát hương trong miếu thờ Thục Côn công chúa để thờ ông. Vậy là hai chị em, ngày đêm gần gũi, sớm tối có nhau...

Đến năm 1225, vào thời nhà Trần, thôn Tức Mặc chưa có thành Hoàng, nên xin với thôn Thượng Lỗi cho đón Thục Côn công chúa về làng mình để thờ làm thành Hoàng làng. Đến giờ, đình Tức Mặc vẫn lưu lại một bức đại  tự đề 4 chữ "Trưng thị công thần" (vị tướng tài của Hai Bà Trưng), do nhà Trần sắc phong.

Tại Đình Thượng Lỗi thờ Luân Công đại tướng quân làm thàng Hoàng làng hiện còn lưu lại bức đại tự: “Lý Triều Công Thần Luân Công đại tướng quân, Trung đẳng thần được phong chức Tổng trấn, Nguyên suý”.

Tập tục từ xa xưa để lại, cứ ba năm một lần vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu có lễ rước giao hảo giữa hai thôn vào ngày 24/11 là ngày sinh của Thục  Côn công chúa.

 

                    Đoàn rước kéo dài với hàng trăm người tham dự

 

          Đoàn rước của làng Tức Mặc và Thượng Lỗi  quay 3 vòng kiệu

Đoàn Rước kiệu chân nhang Thục Côn công chúa đi đầu có lá cờ thêu bốn chữ "Hành hạnh cố hương" (Về thăm quê cũ). Đoàn rước kiệu chân nhang Luân Công Đại tướng quân rước từ thôn Thượng Lỗi lên Tức Mặc, với lá cờ thêu bốn chữ "Viết yết nguyên thần" (Thần đi kiệu lên thăm). Năm Canh Tý 2020 là lễ rước từ thôn Tức Mặc xuống Thượng Lỗi thể hiện sự hội ngộ tình cảm giữa hai chị em tại Đình Thượng Lỗi. Lần sau vào năm vào năm Quý Mão- 2023 đoàn rước sẽ về lễ giao hảo tại Đình Tức Mặc, luân phiên tại hai ngôi đình thờ hai vị thành hoàng.

Song, điều đặc biệt là đoàn rước kiệu từ 2 ngôi đình cùng xuất phát một thời điểm, gặp nhau trên đường sau đó hai kiệu rước chân nhang 2 vị thành hoàng quay quanh nhau 3 vòng, nghi lễ được tổ chức tại đâu thì cả hai đoàn rước đi về đình làng nơi đó.

 

Sau khi gặp nhau và quay quanh nhau 3 vòng, 2 đoàn rước về nơi hành lễ

Lễ giao hảo giữa hai làng Tức Mặc và Thượng Lỗi là một lễ hội truyền thống lâu đời, đây cũng dịp để ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc ta, càng hun đúc thêm niềm tự hào, tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân hôm nay và lưu truyền đến mai sau.

 

                                                                                   Sưu tầm, biên soạn

        Vũ Thị Hoàng Lan

BQL khu di tích LSVH đền Trần, chùa Tháp – TP. Nam Định


Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định
Giấy phép số 100/GP-TTDT do Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ thông tin truyền thông cấp ngày 14/5/2010
Đơn vị chủ quản: UBND thành phố Nam Định Trụ sở: Số 10 Đường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định
Tel:0228.3849224 - Fax: 0228.3831922 - Email: tpthanhpho@namdinh.gov.vn

Thiết kế VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang