Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TẾT NGUYÊN ĐÁN CUNG ĐÌNH THỜI TRẦN
Lượt xem: 1475

         Tết Nguyên Đán trong cung đình thể hiện nổi bật nhất, trang trọng nhất nghi thức của Tết Việt xưa. Ngoài nét cổ truyền và phổ biến như Tết trong dân chúng, Tết cung đình nhà Trần mang dáng vẻ độc đáo riêng của sự tôn nghiêm và quyền lực. Thông qua cuốn sách An Nam Chí Lược của tác giả Lê Tắc, chúng ta nhìn thấy phần nào màu sắc ngày Tết của thời kỳ vàng son triều đại nhà Trần.

anh tin bai

Không khí chuẩn bị Tết truyền thống

Theo phiên âm của chữ Hán - Việt thì “Tết” theo chữ Hán là tiết, “nguyên” theo chữ Hán sẽ là sự khởi đầu và “đán” là buổi sáng sớm. Do đó, cách đọc đúng nhất phiên theo âm chữ Hán Việt là Tết Nguyên Đán.

Tết Nguyên Đán trong cung đình được nhà Trần tổ chức rất trọng thể, kéo dài từ ngày lập Xuân đến tận tháng Hai. Tháng Chạp, ngày lập Xuân, các quan văn võ mặc lễ phục, cài hoa lên đầu vào Đại nội dự yến. Hàng năm, trước lễ Tết hai ngày là ngày 28 tháng Chạp, vua đi xe ngự dụng, các quan tuỳ tùng đều mặc triều phục hầu đạo tiền, tế điện Đế Thích.

Ngày 30 Tết, vua  ngự tại cửa Đoan Củng, các bề tôi đều làm lễ. Lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối. Tối vua yết kiến thái hậu, thái thượng hoàng ở cung Đồng Nhân. Tối 30 các tăng đồ, đạo sỹ vào cung làm lễ “Khu Na” ( nghĩa là đuổi tà ma quỉ mị ). Đêm 30 dân gian thì mở cửa đốt pháo tre trước cửa nhà để xua đuổi tà ma và đón mừng năm mới.

Phong tục thời Trần cho phép con trai, con gái nhà nghèo nếu yêu nhau nhưng không đủ tiền cưới xin theo lễ giáo phong kiến thì lúc này có thể tự ý lấy nhau. Đây là phong tục mang tính nhân đạo hiếm có trong thời phong kiến.

Sáng mồng 1 Tết vào khoảng canh năm, vua ngự trên điện Vĩnh Thọ, Thái tử và các quan hầu cận đến chúc mừng nhà vua, sau đó vua vào cung Trường Xuân làm lễ cúng tổ tiên. Tiếp theo, vua ngự trên điện Thiên An, các phi tần xếp hàng ngồi quanh còn nội quan đứng trước điện. Có các bài ca nhạc trước đại đình. Thái tử và các quan đứng theo thứ bậc, lạy mừng vua, dâng 3 lần rượu. Tiếp theo Thái tử lên lầu dự yến, triều quan ở điện nhỏ phía Tây... dự yến đến xế chiều mới về.

Các thợ khéo làm một cái đài Chúng Tiên hai tầng ở trước điện, tam cấp, ngói bạc chiếu sáng khung trời. Nhạc quan dàn hàng ở ngoài sân. Mọi người cùng nhảy múa, ca hát. Không khí tưng bừng, rộn rã, phấn chấn đón chào các chư hầu từ xa vào chầu ở kinh đô.

 Vua lên quan đài dự yến tiệc, trước khi ăn phải thực hiện đủ 9 lần vái, 9 lần uống rượu rồi mới tan tiệc. Ngày Tết mọi nhà dân đều dọn mâm cơm cúng tổ tiên, tôn sùng đạo Phật nên trai gái ngày Tết thường mang hương lên chùa lễ Phật Ngày mồng hai Tết, các quan đều làm lễ ở nhà cúng tổ tiên. Ngày mồng ba Tết, vua ngự trên lầu Đại Hưng, xem hoàng tử và các quan nội cung đánh bóng ( quả cầu thêu) Quả bóng làm bằng gốm, bằng nắm tay đứa bé, có buộc 20 dải ngũ sắc. Ai đón mà không rơi là người đó nhận được nhiều may mắn trong năm. Toàn kinh thành nhộn nhịp, tưng bừng các trò chơi. Trai gái chơi đánh đu, đá cầu, ca múa giao duyên, tung còn, kép co. Mồng năm Tết, lễ khai hạ, ăn yến xong thì để quan và dân lễ các chùa miếu và du ngoạn các vườn hoa.

Rằm tháng Giêng đó là ngày thượng nguyên, ngày trăng trong đầu tiên của năm mới. Theo “ An Nam Chí Lược” đêm nguyên tiêu, triều đình nhà Trần dựng cây đèn trên sân rộng ( gọi là đèn Quảng Chiếu) tỏa sáng rực rỡ trên trời, dưới đất. Các vị sư đi xung quanh đèn đọc kinh, các quan đứng vòng quanh đèn làm lễ Triều Đăng.

Theo thời gian Tết Nguyên Đán là Tết cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất của Dân tộc Việt Nam, mang đậm bản sắc dân tộc, là một ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Là tiết lễ đầu tiên trong năm, Tết Nguyên đán bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, với bao niềm tin và hy vọng một năm mới an lành, may mắn, thành công. Tết là dịp để mọi người nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới và nghỉ ngơi, sum họp gia đình với nhiều phong tục tốt đẹp. Ðón Tết, vui Tết, đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam với nhiều giá trị nhân bản văn hóa tinh thần sâu sắc.

Sưu tầm và biên soạn

                                                TRẦN THỊ THỦY

       BQL Khu Di tích LS- VH Đền Trần , Chùa Tháp-TP. Nam Định


Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định
Giấy phép số 100/GP-TTDT do Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ thông tin truyền thông cấp ngày 14/5/2010
Đơn vị chủ quản: UBND thành phố Nam Định Trụ sở: Số 10 Đường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định
Tel:0228.3849224 - Fax: 0228.3831922 - Email: tpthanhpho@namdinh.gov.vn

Thiết kế VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang