Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
VAI TRÒ CỦA HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM
Lượt xem: 15032

Hướng tới kỷ niệm 723 năm ngày hoá của  Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (20 tháng 8 năm Canh Tý 1300 - 20 tháng 8 năm Quý Mão 2023), tác giả xin sưu tầm, biên tập lại một số đóng góp nổi bật của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đối với lịch sử Việt Nam gửi tới bạn đọc.

Trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, thời Trần được coi là giai đoạn phát triển cao của văn minh Đại Việt, để lại nhiều bài học quý giá cho non sông, đất nước. Trong suốt 175 năm trị vì (1225-1400) nhà Trần đã để lại nhiều giá trị độc đáo, hiệu quả trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, những đỉnh cao võ công hiển hách, những dấu ấn văn học nghệ thuật...

Nam Định là đất phát tích của nhà Trần, cũng là nơi sinh ra nhiều danh tướng, danh thần thời Trần. Nổi bật trong đó là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự, nhà chính trị kiệt suất có vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.

 

                                                                                            Ban thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tại Đền Cố Trạch

                                                                                                           (Thuộc Đền Trần TP.Nam Định)

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là con của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú. Từ nhỏ ông đã có năng khiếu văn chương, võ thuật, được cha tìm những thầy giỏi trong thiên hạ về dạy mưu việc bá vương vì vậy ông có học vấn uyên bác, cưỡi ngựa, bắn cung đều thành thạo.

Khi giặc Mông xâm lược nước ta lần thứ nhất năm 1258, ông còn là một vị tướng trẻ được giao cho cầm quân giữ biên thuỳ phía bắc. Trong trận đánh mang tính chất quyết định giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông lần thứ nhất là trận Đông Bộ Đầu diễn ra vào cuối tháng 1 năm 1258, theo các sách “Trần đại vương bình Nguyên công thần lực lục” và “Trần gia điển tích thống biên” đều cho hay: trong trận đánh lớn này Trần Quốc Tuấn là người “tiết chế mọi việc quân” tức là tướng chỉ huy trận đánh và ông đã góp một phần công sức đáng kể trong thắng lợi chung của cả dân tộc.

 Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285 và lần thứ 3 năm 1287-1288 ông được vua Trần giao chức Quốc Công Tiết Chế thống lĩnh toàn bộ quân đội nhà Trần. Dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương các tướng sĩ  được động viên mạnh mẽ về tinh thần, nâng cao sĩ khí và quyết tâm chiến đấu với quân giặc. Với phương thức đánh giặc “dĩ đoản chế trường” do Hưng Đạo Vương đề ra quân và dân Đại Việt đã đập tan 3 cuộc xâm lược quy mô lớn của đế chế Nguyên Mông. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn hiểu rõ vai trò của quân và dân trong cuộc kháng chiến đặc biệt có lòng tin vào sức mạnh và ý trí quyết thắng của toàn dân tộc. Ông đã đưa ra chiến lược quân sự mang đậm tính nhân dân tiêu biểu là 2 cuộc rút lui chiến lược khỏi kinh thành Thăng Long tránh được những tổn thất lớn cho quân dân nhà Trần và thừa cơ tấn công bẻ gãy địch. Kế “thanh dã” vườn không nhà trống, những trận phục kích và tập kích có ý nghĩa quyết định tới toàn cục cuộc kháng chiến như Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Vân Đồn và đặc biệt là Bạch Đằng đã làm lên tên tuổi bất tử của ông. Khi sắp mất ở Chí Linh - Hải Dương, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã căn dặn vua Trần về tư tưởng thân dân của mình : “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc đấy là kế sách giữ nước”.

Công lao to lớn đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông đã đưa Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trở thành anh hùng dân tộc có công lao bậc nhất của nhà Trần. Khi mất, ông được phong tặng là Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, nhân dân thờ cúng ở mọi nơi và gọi Ngài là Đức Thánh Trần.

Bên cạnh sự nghiệp hiển hách, Hưng Đạo Vương còn để lại nhiều tác phẩm văn trị vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Ông để lại 2 tác phẩm lý luận quân sự quan trọng đó là bộ “Binh thư yếu lược” và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”. Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, có lẽ Trần Hưng Đạo là một trong số ít người có nghiên cứu, kế thừa, tổng kết tư tưởng quân sự của các quốc gia và thời đại khác rút ra kinh nghiệm và sự trải nghiệm của bản thân, kết hợp với tri thức viết thành sách nhằm phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ bờ cõi Đại Việt. Ông còn để lại tác phẩm “Hịch tướng sĩ” - một bài hịch đặc sắc, lời lẽ đanh thép mà chứa chan nhiệt huyết, động viên ý trí và quyết tâm của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

            Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Tư tưởng chính trị “thân  dân”, “khoan thư sức dân”, xây dựng quân đội coi trọng về chất lượng, tinh nhuệ, đoàn kết, đặc biệt là nghệ thuật quân sự đánh giặc giữ nước dựa vào lòng dân. Những tư tưởng trên của ông có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và thiết thực không những đối với thời kì nhà Trần, mà còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay, đặc biệt là tư tưởng yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức và xây dựng quân đội.

Với tài năng chính trị và quân sự kiệt suất, với tấm lòng tận trung với nước, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã đưa triều đại nhà Trần lên hàng những triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử các nhà nước phong kiến Việt Nam. Tên tuổi của ông đã đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi. Nhân dân thờ phụng ông ở nhiều nơi trong cả nước đặc biệt là tại Nam Định – quê hương đất phát tích của nhà Trần có ngôi Đền Trần được xây dựng trên nền tảng các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa xưa. Việc bảo tồn và phát triển các di tích có liên quan đến Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc và vương triều Trần có ý nghĩa quan trọng khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đó là yếu tố nội sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh Nam Định phát triển hoà nhập vào sự phát triển của cộng đồng.

 

    Sưu tầm và biên soạn

 

Vũ Thị Hoàng Lan

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           BQL Khu Di tích LS- VH đền Trần, chùa Tháp tp. Nam Định

 

Tài liệu tham khảo:

-          Đại việt sử kí toàn thư, tập II, nxb KHXH, HN, 1993

-          Kỉ yếu hội thảo khoa học “thời Trần và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên hương Nam Hà”- Sở văn hoá thông tin Nam Hà xuất bản năm 1996

 


Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định
Giấy phép số 100/GP-TTDT do Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ thông tin truyền thông cấp ngày 14/5/2010
Đơn vị chủ quản: UBND thành phố Nam Định Trụ sở: Số 10 Đường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định
Tel:0228.3849224 - Fax: 0228.3831922 - Email: tpthanhpho@namdinh.gov.vn

Thiết kế VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang