Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
LỊCH SỬ 100 NĂM HÌNH THÀNH, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH (17/10/1921-17/10/2021)
Lượt xem: 980

LỊCH SỬ 100 NĂM HÌNH THÀNH, XÂY DỰNG

 VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH

  (17/10/1921-17/10/2021)

-----

I. Vị trí địa lý, lịch sử hình thành, phát triển của thành phố Nam Định

1. Những dấu mốc lớn và giá trị truyền thống trong dòng chảy lịch sử

Thiên Trường xưa- thành phố Nam Định ngày nay nằm ở phía Bắc của tỉnh Nam Định, trên tọa độ 24­024 đến 20027 vĩ độ Bắc, 106007 đến 106012 kinh độ Đông; sông Đào chảy ngang thành phố theo chiều Đông Bắc- Tây Nam; sông Hồng chảy bên thành phố làm ranh giới tự nhiên với tỉnh Thái Bình; phía Đông giáp tỉnh Thái Bình, các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực; phía Tây giáp các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản; phía Nam giáp các huyện Nam Trực, Vụ Bản; phía Bắc giáp huyện Mỹ Lộc.

Trong suốt các thời kỳ lịch sử từ phủ Thiên Trường cho đến thành phố Nam Định ngày nay, thành phố và tỉnh Nam Định đã trải qua các tên gọi: Thiên Trường, Sơn Nam, Vị Hoàng rồi Nam Định. Danh xưng “trấn Nam Định” chính thức có từ năm 1822 thời vua Gia Long nhà Nguyễn. Đến năm 1832 vua Minh Mạng đặt tên là “tỉnh Nam Định” khi chia đất nước thành 31 tỉnh và kinh đô Huế. Tên gọi trong nhân dân “ Thành Nam” bắt đầu từ khi nhà Nguyễn cho xây dựng thành Nam Định và cột cờ Nam Định vào khoảng năm 1812.

Nam Định nổi tiếng là đất văn hiến, đất hiếu học từ ngàn xưa đến nay. Trải qua các triều đại phong kiến, học hành thi cử luôn được người dân và quan lại chú trọng. Nhiều con em Thành Nam đỗ đạt cao, làm rạng danh quê hương như Trần Bích San, Vũ Công Độ, Trần Doãn Đạt, Trần Tế Xương…Năm 1920 Toàn quyền Đông Dương thời Pháp thuộc cho thành lập trường Thành Chung ( tiền thân của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ngày nay) là nơi đào tạo bậc học phổ thông cho con em Nam Định và các tỉnh xung quanh. Nam Định có nhiều lễ hội truyền thống gắn với sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, phản ánh thế giới vật chất và tâm linh sinh động, tiêu biểu là lễ hội đền Trần- chùa Tháp.

Thành phố Nam Định đã sớm trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị, tôn giáo ngay từ giữa thế kỷ XIII trong lịch sử Việt Nam. Năm 1262, nhà Trần cho xây dựng phủ Thiên Trường (phường Lộc Vượng ngày nay) với đầy đủ cung điện, phủ đệ, mở các trang ấp của hoàng tộc. Hành cung Thiên Trường là kinh đô thứ hai của vương triều Trần sau kinh thành Thăng Long. Thế kỷ XIII- XIV, Tức Mặc- Thiên Trường là một trung tâm hành chính, kinh tế, giao thương phát triển. Thời phong kiến nhà Lê, nhà Nguyễn, Sơn Nam- Vị Hoàng là một trong sáu nơi trong cả nước có trường thi Hương. Thời nhà Nguyễn, Nam Định là một trong ba đô thị bao gồm Hà Nội, Huế, Nam Định được dựng cột cờ.

Từ giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đánh chiếm Thành Nam, tiếp nối tinh thần yêu nước bất khuất của ông cha, phong trào chống Pháp bùng lên mạnh mẽ. Năm 1884, sau khi chiếm được Nam Định, thực dân Pháp đã xây dựng phố xá, chợ, bến tầu thủy, các nhà máy, xưởng sản xuất nhỏ… Năm 1889, tư bản người Pháp mở rộng quy mô sản xuất, xây nhà máy dệt, nhà máy sợi lớn nhất Đông Dương. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, thành phố Nam Định trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của Bắc Kỳ nói và toàn xứ Đông Dương. Trên cơ sở đó, ngày 17-10-1921, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Nam Định, hưởng quy chế của thành phố cấp III, đưa thành phố Nam Định trở thành một trong những thành phố đầu tiên được chính quyền thực dân Pháp lập ra ở Liên bang Đông Dương; một trong 3 thành phố ở Bắc Bộ.

Nghị định thành lập thành phố Nam Định là cơ sở để chính quyền Pháp xây dựng các công cở như: Tòa Công sứ, Tòa Án tây, Sở Kho bạc, Sở Thương chính, Nhà dây thép, Sở Y tế, Sở Lục lộ (công chính), trường học, Sở Giám binh, Đề lao, Sở mật thám…và xây dựng thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp như Nhà máy chai, Nhà máy rượu, Nhà máy tơ, Nhà máy nước, Nhà máy điện… Đồng thời thực hiện quy hoạch, xây dựng chín khu phố và 40 phố, hình thành các phố chuyên sản xuất,  kinh doanh 1 mặt hàng như hàng Đồng, hàng Đường, hàng Giấy, phố Khách, hàng Sắt, hàng Rượu…. Tư bản Pháp, Hoa Kiều cũng xây dựng nhiều khách sạn, nhà hàng phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí như Phẩm Anh Nghi, Nam Việt, Viễn Lai Lầu, Quảng Nguyên, Quảng Hưng... Các chợ phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa phát triển, có 4 chợ lớn là chợ Rồng, chợ Phượng, chợ Vị Hoàng, chợ Cửa Trường. Diện tích của thành phố đến năm 1942 ước tính trên 6km2 (dài khoảng 4,4km, rộng 1,4km), kết cấu đường phố theo kiểu ô bàn cờ với các vườn hoa, quảng trưởng làm điểm nhấn. Dân số thành phố năm 1928 tới 3,5 vạn người, đến năm 1942 tăng lên khoảng trên 4,2 vạn người.

Để thuận lợi cho giao thương, buôn bán hàng hóa, ngoài việc phát triển  các tuyến đường thủy trên sông Đào, sông Hồng ( bến Đò Chè, bến Đò Quan), thực dân Pháp còn mở tuyến đường sắt Hà Nội- Sài Gòn đi qua ga chính Nam Định ( hoàn thành năm 1903), mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ liên tỉnh, liên huyện. Diện mạo của Thành Nam thế kỷ XVIII, XIX là thành thị phong kiến với phần thành nặng hơn phần thị, đến đầu thế kỷ XX là một thành phố có cấu trúc đô thị hiện đại kiểu phương Tây với nhiều chức năng, mà chủ yếu là chức năng kinh tế- thương mại, có các cơ sở hạ tầng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 77, ngày 21-12-1945 quyết định thành phố Nam Định là một trong số 8 thành phố của cả nước (cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Vinh- Bến Thủy, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn- Chợ Lớn). Thành phố Hà Nội đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Chính phủ Trung ương, các thành phố khác đặt dưới sự quản lý của các kỳ (sau đổi thành bộ). Thành phố Nam Định do Bắc Kỳ (Bắc Bộ) quản lý. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thành phố Nam Định có một số thay đổi về địa giới, ngày 15-9-1950 sáp nhập 4 xã Lộc An, Mỹ Xá, Lộc Hạ, Lộc Hòa của huyện Mỹ Lộc vào thành phố. Đến ngày 03-9-1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 405/TTg sáp nhập thành phố Nam Định vào tỉnh Nam Định. Từ 9-1957 đến nay thành phố Nam Định là đô thị   trực thuộc tỉnh, thủ phủ của tỉnh Nam Định. Hiện nay thành phố có diện tích 46,6 km22 phường, 3 xã, dân số hơn 26 vạn người.

2. Sự ra đời của tổ chức đảng và quá trình tổ chức nhân dân thành phố đấu tranh giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Dưới tác động của hai cuộc khai thác thuộc địa (lần thứ nhất: 1897-1914, lần thứ hai: 1919-1929), xã hội Việt Nam đã có những chuyển biến từ xã hội phong kiến sang xã hội thuộc địa nửa phong kiến với sáu giai tầng cơ bản: quan chức thực dân, tư sản bản xứ, tiểu tư sản, công nhân, địa chủ và nông dân. Từ đầu thế kỷ XX, các trào lưu tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản ở phương Tây, sau đó là tư tưởng cách mạng vô sản từ nước Nga Xô- viết đã được truyền bá rộng rãi vào Việt Nam, làm dấy lên phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nhân dân thành phố Nam Định đã hăng hái tham gia phong trào đấu tranh sôi nổi chống thực dân- phong kiến như các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, phong trào tẩy chay tư sản nước ngoài, phong trào đòi tự do dân chủ những năm 1925-1926, phong trào đấu tranh của công nhân Nhà máy Dệt, nhà máy Sợi….  

Tháng 6-1925, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Sau khi ra đời, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã cử người về nước vận động, lựa chọn và đưa người sang Quảng Châu để đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng về chính trị, tổ chức. Lực lượng này sau khi được huấn luyện, đào tạo trở về truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào trong phong trào đấu tranh của các tầng lớp và giai cấp công nhân. Ban đầu tuy có ít hội viên, nhưng với sự năng động, tích cực xây dựng phong trào, cuối năm 1927, ở Nam Định đã có đến tám chi bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là các chi hội đường phố, chi hội giáo dục, chi hội ghép của các công nhân, chi hội học sinh của trường Thành Chung, trường Cửa Bắc và chi hội công nhân Nhà máy sợi Nam Định với hàng trăm hội viên. Thành phần tham gia chủ yếu là học sinh, giáo viên, công nhân và những người yêu nước khác.

Năm 1928, thực hiện chủ trương vô sản hóa của Kỳ bộ Bắc Kỳ, các cán bộ, hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã hăng hái đi vào nhà máy, xí nghiệp. Trong quá trình cùng sống, cùng lao động với công nhân, các hội viên, nhất là học sinh, sinh viên, trí thức, tiểu tư sản đã có điều kiện hiểu hơn về giai cấp công nhân, tự rèn luyện và nâng cao ý thức cách mạng. Từ khi có tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân đã nổ ra quyết liệt, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Nhà máy dệt, cuộc đình công của toàn bộ phu kéo xe Nam Định, đặc biệt là cuộc bãi công dài ngày của công nhân Nhà máy sợi Nam Định đã gây tiếng vang, ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh cả nước.

  Ngày 19-6-1929, Ban Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định được thành lập, gồm các đồng chí Nguyễn Hới (bí thư), Phạm Văn Ngọ và Lê Ngọc Rư. Trụ sở của Ban Tỉnh ủy được đặt tại ngôi nhà số 12, phố Năng Tĩnh và một số ngôi nhà khác ở thôn Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá (nay là phường Mỹ Xá). Đợt đầu tiên, thành phố Nam Định đã có 250 hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được kết nạp vào đảng. Trước sự lớn mạnh và phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, phong trào yêu nước, trong vai trò là đặc phái viên của Quốc tế cộng sản, ngày 3-2-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị thống nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng (Trung Quốc). Sự kiện Đảng ra đời là bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, tạo bước chuyển biến lớn cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân thành phố Nam Định.

Để hưởng ứng phong trào đấu tranh trong cả nước, từ năm 1930- 1945, trên địa bàn thành phố Nam Định đã diễn ra hàng trăm cuộc đấu tranh, bãi công đòi dân sinh, dân chủ, điển hình như cuộc bãi công của hàng ngàn công nhân Nhà máy chiếu, công nhân Nhà máy sợi… Chỉ tính từ tháng 1-1936 đến tháng 3-1937 có 20 cuộc đấu tranh với nhiều hình thức quyết liệt, tạo được thanh thế, có tiếng vang lớn. Trên mặt trận đấu tranh công khai, tháng 9-1936, các đảng viên ở thành phố đã lãnh đạo quần chúng hưởng ứng phong trào cuộc vận động “Đông Dương đại hội”, vạch mặt bọn tay sai lừa mị dân chúng và nêu những yêu cầu bức thiết của nhân dân lao động.

Tháng 2-1937, tại số nhà 2B phố Hàng Đàn (nay là phố Hoàng Văn Thụ), một số đảng viên cộng sản lập đại lý sách báo “cánh tả” do đồng chí Phan Đình Khải (tức Lê Đức Thọ) phụ trách để tranh thủ điều kiện thuận lợi tổ chức tập hợp các hội quần chúng theo hướng công khai và nửa công khai. Đến tháng 8-1945,  hòa cùng với khí thế đấu tranh trên cả nước, chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân thành phố cùng với các huyện trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng nhất tề đứng lên giành chính quyền, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở thành phố Nam Định là kết quả của sức mạnh quật khởi của nhân dân Nam Định theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Với thành công Cách mạng Tháng Tám, lịch sử thành phố  Nam Định bước sang một trang mới.

II. Thành phố Nam Định anh hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ (1946-1975)

1. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

Sau Cách mạng Tháng Tám, do hậu quả của nạn đói, nạn dối, thù trong giặc ngoài, chính quyền Cách mạng non trẻ vừa mới thành lập đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đảng bộ, nhân dân thành phố Nam Định vừa phải tập trung xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, vừa phải chăm lo bảo đảm đời sống của người dân. Để khẳng định vai trò chủ thể của người dân nước độc lập, Đảng bộ thành phố đã đổi tên các khu, phố, tên đường do người Pháp đặt sang tên danh nhân, anh hùng dân tộc của Việt Nam. Ngày 6-1-1946, cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân thành phố Nam Định đã bầu được 2 đại biểu là ông Trần Huy Liệu và ông Nguyễn Văn Tố. Trong dịp này, ngày 11-1-1946, thành phố vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Những lời căn dặn chỉ bảo ân cần của Bác đã để lại ấn tượng sâu sắc, cổ vũ Đảng bộ, nhân dân thành phố Nam Định đoàn kết, phấn đấu, khắc phục những khó khăn, tiếp tục đi lên trong giai đoạn cách mạng mới.

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tại Sài Gòn, quay lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, nhiều thanh niên tự vệ và dân quân thành phố tình nguyện lên đường “Nam tiến” đánh giặc. Trước tình hình mới, Đảng bộ, chính quyền nhân dân thành phố khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang, luyện tập quân sự, sắm sửa vũ khí sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, thu hút được nhiều thanh niên, công nhân, nông dân  cùng tham gia.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm ngày 19-12-1946, cả thành phố Nam Định rền vang tiếng súng mở đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược. Tự vệ thành phố nổ mìn ngả cây to dọc đường Trần Hưng Đạo và ngã tư Cửa Đông đến Tòa thị sảnh. Nhiều người dân thành phố đã   mang đồ đạc ra đường làm vật chướng ngại chặn bước tiến của quân địch. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp (từ tháng 12-1946 đến tháng 5-1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân thành phố Nam Định cùng với cả nước góp sức người, sức của làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 lịch sử, buộc thực dân Pháp ký kết hiệp định Giơnevơ về Đông Dương vào ngày 21-7-1954. Miền Bắc được giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Sau nhiều năm bị Pháp chiếm đóng, ngày 1-7-1954, thành phố Nam Định được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân thành phố nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tiếp tục sự nghiệp xây dựng thành phố anh hùng.

2. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975)

Sau khi thực dân Pháp rút quân, toàn thành phố chỉ còn các Nhà máy sợi, Nhà máy dệt và 31 cơ sở công thương nghiệp nhỏ bé, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Nhiều cơ sở sản xuất bị địch phá hư hỏng nặng, tháo gỡ mang đi nhiều máy móc quan trọng… Ngày 3-7-1954, Ủy ban quân quản thành phố Nam Định được thành lập đã công bố 8 chính sách và 10 điều kỷ luật đối với vùng mới giải phóng, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền và công chức cũ ra trình diện. Ủy ban quân quản thành phố đã kiện toàn các ủy ban khu phố, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ, vận động nhân dân làm vệ sinh, quét dọn đường phố, sửa sang các nhà vệ sinh công cộng, khôi phục hệ thống điện nước và mở thêm chợ phục vụ sinh hoạt của nhân dân; từng bước khôi phục, cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

Công tác xây dựng lại thành phố sau chiến tranh thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9-1954 là “nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, phục vụ kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế một cách có kế hoạch”. Trong 3 năm 1955-1957 thành phố Nam Định đã khôi phục được cơ bản hoạt động các nhà máy, phát triển thêm các cơ sở sản xuất, vận động nhân dân tích cực trồng lúa, hoa màu. Các hoạt động giáo dục, văn hóa được củng cố, đời sống của nhân dân được cải thiện. Với những kết quả đó, ngày 24-4-1957, thành phố Nam Định được vinh dự đón Bác Hồ về thăm lần thứ hai, động viên cán bộ, công nhân Nhà máy dệt Nam Định.

 Những năm từ 1955- 1974, thành phố Nam Định tiếp tục được xây dựng, nâng cấp, mở rộng thêm nhiều phố xá, công sở, trường học, xây dựng nhiều công trình giao thông, công cộng như cầu Treo qua sông Đào, sân vận động chùa Cuối ( từ 2001 là sân vận động Thiên Trường), kè hồ và xây công viên hồ Vỵ Xuyên, cải tạo hồ, xây bảo tàng, công viên tại hồ Truyền Thống…Từ năm 1962- 1974, với sự đầu tư lớn của Trung ương và sự viện trợ máy móc hiện đại của các nước Xã hội chủ nghĩa, nhà máy Liên hợp dệt Nam Định trở thành trung tâm dệt- sợi- nhuộm lớn nhất miền Bắc. Ngành dệt Nam Định đã trở thành biểu tượng của thành phố và có vị thế, đóng góp to lớn về công nghiệp cho cả miền Bắc XHCN.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân thành phố Nam Định cùng với nhân dân toàn miền Bắc chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, dồn sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt 2 lần chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, thành phố Nam Định cùng Hà Nội, Hải Phòng là một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Mặc dù nhiệm vụ hết sức nặng nề vừa phải sơ tán người, trang thiết bị máy móc, vừa phải đảm bảo sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu, song với tinh thần mỗi người dân làm việc bằng hai, quân dân thành phố vẫn đảm bảo và hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế phục vụ chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam. Với khẩu hiệu “thóc vượt cân, quân thừa người”, trong 3 năm (1965-1967) thành phố đã có 5.887 người nhập ngũ. Riêng năm 1972, có 1515 thanh niên nhập ngũ, vận chuyển vào chiến trường miền Nam 84.754 tấn hàng theo đường thủy và 170.778 tấn hàng theo đường bộ. Trong cuộc không kích 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ tại Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc tháng 12-1972, quân và dân thành phố Nam Định đã bắn rơi 18 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái.

Những chiến công, đóng góp to lớn của quân, dân thành phố Nam Định cùng với thắng lợi cả nước buộc đế quốc Mỹ phải trở lại đàm phán, ký kết hiệp định Paris ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ghi nhận những thành tích, công lao đóng góp trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhân dân thành phố nhiều huân chương, huy chương; phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho quân và dân thành phố năm 1978.

III. Thành phố Nam Định trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc,  khắc phục khó khăn về kinh tế xã hội từ năm 1975-1985

Sau đại thắng 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Tháng 12-1976, Quốc hội quyết định đổi tên nước thành Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thành phố Nam Định tiếp tục được chọn làm thủ phủ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Hà Nam Ninh ( sáp nhập từ 3 tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam). Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VI (vòng I tháng 12-1976, vòng II tháng 4-1977) xác định “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng; khai thác tốt nhất khả năng tiềm tàng của địa phương, dấy lên cao trào sôi nổi trên lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tạo một bước phát triển vượt bậc trong nông nghiệp; chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, xuất khẩu và phục vụ nông nghiệp, xây dựng hoàn chỉnh vùng thực phẩm ngoại thành. Kết hợp chặt chẽ công nghiệp với nông nghiệp, nội thành với ngoại thành; tập trung xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất và cải thiện đời sống; tăng cường quản lý kinh tế, quản lý thành phố về mọi mặt. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định thành thành phố xã hội chủ nghĩa có công nghiệp và nông nghiệp, văn hóa và khoa học kỹ thuật phát triển, quốc phòng an ninh vững mạnh, đời sống ấm no lành mạnh, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Hà Nam Ninh”.

Thời kỳ 1981-1985, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân thành phố Nam Định đã đoàn kết vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tích quan trọng. Với truyền thống là thành phố Dệt anh hùng, cán bộ, công nhân Nhà máy Liên hợp dệt đã khắc phục mọi khó khăn, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra. Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực trên cả 3 phương diện tư tưởng, chính trị và tổ chức; đồng thời nâng cao một bước năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố. Kinh tế có bước phát triển mới, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 6,2%/năm, thủ công nghiệp đạt 4,6%/năm. Tỉnh tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng như xây dựng các khu nhà tập thể 3,5 tầng cho công nhân, xây dựng thêm nhiều tuyến phố: đường Thanh Niên ( từ năm 1995 là đường Trường Chinh), đường Giải Phóng… Trung ương đầu tư xây dựng tại thành phố 1 số trường Cao đẳng ( sau nâng cấp lên Đại học) như: Kinh tế- Kỹ thuật, Sư phạm Kỹ thuật, Điều dưỡng… Các mặt văn hóa, y tế, giáo dục đều có những tiến bộ mới. Đời sống nhân dân được cải thiện. An ninh quốc phòng được giữ vững. Những kết quả trên chính là nền tảng quan trọng, mở ra thời kỳ mới để Đảng bộ thành phố Nam Định bước vào thực hiện sự nghiệp xây dựng thành phố trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

IV. Thành phố Nam Định vươn lên đổi mới, xây dựng, phát triển cùng đất nước từ năm 1986 đến nay

1. Quá trình xây dựng và phát triển thành phố từ năm 1986-1998

Dưới ánh sáng Đổi mới của Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng ( tháng12-1986), thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, các hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục đổi mới quản lý, tổ chức kinh doanh dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Các xã ngoại thành đẩy mạnh thâm canh cây lúa, trồng rau, chăn nuôi. Công thương nghiệp không ngừng mở rộng, phát triển đa dạng hơn với hệ thống các cửa hàng kinh doanh buôn bán ở các chợ, các tuyến phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Nhà máy Liên hợp dệt  đổi mới để phù hợp với cơ chế mới, tiếp tục là cơ sở kinh tế lớn, lúc cao điểm thu hút hơn 1,5 vạn cán bộ, công nhân và người lao động, cùng nhà máy Dệt lụa tiếp tục khẳng định vai trò Thành phố dệt trong cả nước.

Lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng và quản lý đô thị có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh 77 tuyến đường, phố cũ được tu sửa, nâng cấp, thành phố xây dựng, đưa vào sử dụng với trên 50 đường, phố mới. Đầu năm 1991, bến xe ô tô khách thành phố được xây dựng mới ngã ba đường Điện Biên- Giải Phóng với diện tích hơn 3 ha. Ngày 23-12-1994, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 793 về phê duyệt hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố đến năm 2000, mở ra điều kiện thuận lợi để thành phố Trung ương, của tỉnh đầu tư nâng cấp hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân thành phố.  

Khắc phục khó khăn thời kỳ hậu bao cấp, trong các năm 1991 đến 1997, hạ tầng giao thông, đô thị thành phố Nam Định được đầu tư xây dựng phát triển mở rộng. Tỉnh đã khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng cầu Đò Quan quy mô lớn qua sông Đào thay cho cầu Treo cũ (tháng 7-1994). Các công trình công cộng được tỉnh, thành phố ưu tiên, dành ngân sách để tôn tạo, nâng cấp, xây dựng nhiều công sở, trường học, cơ bản nhựa hóa đường nội thành. Hệ thống lưới điện được nâng cấp, cải tạo, nhiều tuyến đường, phố có điện chiếu sáng công cộng. Nhà máy nước sạch được đầu tư mở rộng, hơn 80% số hộ dân được sử dụng nước sạch. Giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững chất lượng dẫn đầu toàn tỉnh. Nhiều trường học được xây mới cao tầng khang trang, giải quyết tình trạng phải học ca 3 trong các trường phổ thông; nhiều trường đạt chuẩn quốc gia. Chợ Rồng được xây mới 3 tầng hiện đại, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1996; các chợ Mỹ Tho, Hạ Long… được đầu tư nâng cấp khang trang. Các cơ sở y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được quan tâm, đầu tư mở rộng, xây mới như bệnh viện Agáp (nay là Trung tâm y tế thành phố), Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây mới 1 nhà điều trị, trang bị thêm phương tiện, thiết bị kỹ thuật. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, vệ sinh đường phố khu dân cư có nhiều nét mới.

Đầu năm 1997, sau khi chia tách tỉnh Nam Hà, tái lập tỉnh Nam Định, điều chỉnh địa giới hành chính thành phố, thành phố Nam Định chuyển 3 xã Mỹ Tân, Mỹ Trung, Mỹ Phúc về huyện Mỹ Lộc và sáp nhập 2 xã Nam Vân, Nam Phong vào thành phố như hiện nay. Tỉnh và thành phố tiếp tục ưu tiên, huy động các nguồn vốn nâng cấp, xây mơí nhiều đường phố, công viên, công sở, nhà máy, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, xây dựng thành phố thành đô thị có quy mô hiện đại. Các ngành nghề công nghiệp, xây dựng, xăng dầu, điện lực, may mặc, dệt kim tiếp tục có bước phát triển mới, nhiều doanh nghiệp phát triển mạnh như Công ty Dược Nam Hà, Công ty May Sông Hồng, Công ty Xây lắp I, Công ty bia Nada... Công tác quản lý, chỉnh trang đô thị được quan tâm đầu tư, triển khai thực hiện.  Dự án phát triển đô thị do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ đã xây dựng hệ thống thoát nước phía Tây Nam thành phố nối với trạm bơm Kênh Gia, xây mới các tuyến cống thoát nước tại các phường Văn Miếu, Trần Đăng Ninh, Cửa Bắc… Nhiều công trình công cộng được xây dựng, nâng cấp như  Cột Cờ, Quảng trường 3-2, các công viên Vị Xuyên, Điện Biên, Nghĩa Trang, Đài tưởng niệm Liệt sỹ. Các cơ quan, công sở   trường học được cao tầng hóa. Nhiều khu dân cư được cải tạo, nâng cấp khang trang hơn. Thương mại, dịch vụ phát triển như: vận tải, ngân hàng, bảo hiểm,  bưu chính, viễn thông…Đạt được kết quả to lớn trên, thành phố Nam Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II tại Quyết định số 183/1998/QĐ-TTg, ngày 24-9-1998, đưa thành phố trở thành 1 trong các đô thị lớn của cả nước khi đó.

2. Quá trình xây dựng, phát triển thành phố từ năm 1999-2011

Thực hiện sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII (tháng 11/2000) đã xác định: “Phát huy sức mạnh tổng hợp, khắc phục khó khăn, huy động tốt nguồn lực, tranh thủ mọi khả năng về hợp tác đầu tư trong và ngoài nước, tạo sức bật phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nâng cao mức sống, văn hóa, trình độ văn minh đô thị. Chủ động hội nhập vào quá trình tăng trưởng của tỉnh, của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại; tăng cường quốc phòng an ninh; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, xây dựng thành phố Nam Định xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Nam Định”.

Từ năm 2000-2005, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, thành phố Nam Định tiếp tục mở rộng không gian khu vực nội thành, nâng cấp hạ tầng giao thông, đô thị. Trên địa bàn thành phố, Tỉnh đã đầu tư xây dựng khu công nghiệp Hòa Xá 240 ha, khu công nghiệp Mỹ Trung 192 ha,  thành phố xây dựng Cụm công nghiệp An Xá 54 ha, thu hút hàng trăm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tập đoàn Nam Cường xây dựng khu đô thị mới Hòa Vượng 63 ha quy mô hiện đại,  thành phố xây dựng các khu tái định cư Đông Mạc 8 ha, Trầm Cá 11 ha, Đồng Quýt 12ha có hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian đô thị, nhân dân xây dựng nhà ở khang trang. Tượng đài Trần Hưng Đạo được xây dựng quy mô cùng công viên Vỵ Xuyên nâng cấp, hoàn thành năm 2000 mang lại diện mạo mới, đẹp cho cảnh quan thành phố.

 Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố phát triển tích cực, tăng trưởng bình quân trên 20%/năm. Năm 2004, có 2112 cơ sở sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 1.945 tỷ đồng (tăng 22,3% so với năm 2003), trong đó công nghiệp Trung ương đạt 924,8 tỷ đồng, tỉnh quản lý đạt 750 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài đạt 36,5 tỷ đồng, công nghiệp dân doanh do thành phố quản lý đạt 233,6 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu do thành phố quản lý đạt 8,45 triệu USD, tăng 98% so với năm 2003. Thành phố Nam Định tiếp tục khẳng định là 1 trong các trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc.

Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,1%/năm. Phong trào giảm nghèo, làm giàu từ nông nghiệp được nhân rộng và có nhiều điển hình tốt. Các hoạt động dịch vụ, du lịch, giao thông, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, kho bạc phát triển khá đồng bộ. Hệ thống phát thanh, truyền thanh từng bước được hiện đại. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng đều qua các năm, chiếm 50% ngân sách toàn tỉnh

Quá trình đô thị hóa nhanh làm thay đổi diện mạo thành phố, tăng khả năng kết nối giao thông với thủ đô Hà Nội và các tỉnh bạn. Đến năm 2003, dự án cải tạo lưới điện thành phố cơ bản hoàn thành, điện chiếu sáng công cộng được xây lắp đồng bộ trên các tuyến phố và công trình công cộng. Hệ thống đường giao thông được mở rộng, Trung ương và Tỉnh xây dựng, nâng cấp nhiều công trình lớn như quốc lộ 10, quốc lộ 21, cầu Tân Đệ qua sông Hồng, cầu Lộc An qua sông Đào… Dự án cấp nước FA 3 hoàn thành, nâng công suất nước sạch từ 25 nghìn lên 50 nghìn m3/ngày đêm, đảm bảo cho hơn 90% hộ dân được dùng nước máy. Thành phố Nam Định nhiều năm liền được Bộ Xây dựng và Hiệp hội các đô thị Việt Nam đánh giá nằm trong nhóm 10 đô thị “ Sáng- Xanh- Sạch- Đẹp” nhất cả nước. 

Từ năm 2006 đến năm 2010, thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị, Quyết định số 109/2006/QĐ-TTg, ngày 19-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01-12-2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 60/KH-UBND tỉnh về xây dựng thành phố trở thành đô thị trung tâm kinh tế-văn hóa xã hội vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thành phố Nam Định tiếp tục được đầu tư xây dựng về hạ tầng, giao thông, đô thị, công nghiệp… Hệ thống giao thông được nâng cấp và xây dựng mới, hoàn chỉnh đồng bộ từ hè, đường, thoát nước, cấp nước, điện chiếu sáng. Các khu đô thị, khu tái định cư được đầu tư hiện đại mở rộng không gian đô thị. Dự án nâng cấp, cải tạo hạ tầng các khu dân cư của Ngân hàng thế giới tài trợ với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2004-2012 đã thay đổi hạ tầng, cảnh quan các ngõ, xóm, khu dân cư. Nhiều công trình lớn về văn hóa, thể thao, các trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, bảo tàng, công sở… được đầu tư xây dựng tạo nên bộ mặt khang trang, hiện đại của đô thị lớn.

Bằng quá trình vươn lên, phát triển không ngừng, thành phố Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh tại Quyết định số 2016/QĐ-TTg, ngày 28-11-2011, tiếp tục là đô thị lớn của cả nước. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 2084/QĐ-TTg, ngày 22-11-2011 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025.

3. Quá trình xây dựng và phát triển thành phố từ năm 2012 đến nay

Sau khi được công nhận là đô thị loại I, Tỉnh và thành phố đã tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thành phố thực hiện “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”, định hướng xây dựng thành phố văn minh, thân thiện với môi trường, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, tạo cơ hội thuận lợi cho các chương trình phát triển, các dự án đầu tư.

  Tổng nguồn vốn đầu tư trong 5 năm( 2010-2015) đạt trên 30.000 tỷ đồng, tăng 45% so với giai đoạn 2005-2010. Các công trình hạ tầng công cộng được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới như đại lộ Thiên Trường, Cung Thể thao Nam Định, đường Võ Nguyên Giáp, khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ, khu Văn hóa thời Trần; cầu Tân Phong qua sông Đào; các khu đô thị Thống Nhất, Mỹ Trung, khu tái định cư  Phúc Tân- Bãi Viên, Phạm Ngũ Lão, Tây Đông Mạc… Thành phố đã giải phóng mặt bằng 45 dự án, góp phần quan trọng vào quá trình nâng cấp, hiện đại hạ tầng đô thị.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh và thành phố tăng cường xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn vốn, hoàn thành các công trình lớn như: tổ hợp trung tâm thương mại và nhà ở Nam Định Tower 2 khối nhà cao 18-20 tầng, khách sạn Nam Cường 4 sao 20 tầng; khu đô thị Dệt may; đường trục trung tâm phía Nam thành phố; khu đô thị mới phía Nam sông Đào, khu đô thị mới Mỹ Trung giai đoạn II; thu hút các nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp Hòa Xá, Mỹ Trung… Nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, các tập đoàn lớn mở chi nhánh tại thành phố như: VietcomBank, TPBank, HDBank, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội…Nhiều công viên, hồ nước được cải tạo, kè, xây dựng đường dạo. Các công sở, trường Đại học, Cao đẳng được xây dựng, nâng cấp cao tầng… đã thay đổi cơ bản diện mạo thành phố theo hướng hiện đại, văn minh.

Ngày ngày 17-9-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1422/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố Nam Định mở rộng không gian, đầu tư xây dựng hiện đại, xứng tầm là đô thị lớn. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ thành phố Nam Định hiện nay diện tích 46,41km2; huyện Mỹ Lộc 74,49km2; 3 xã Đại An, Thành Lợi, Tân Thành của huyện Vụ Bản 26,48km2 và 5 xã: Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá, Nghĩa An của huyện Nam Trực 40,6km2, với tổng diện tích khoảng 188km2. Quy mô dân số của thành phố Nam Định đến năm 2030 khoảng 520.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 384.500 người. Đến năm 2040, dân số khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 485.000 người.

Để xây dựng, phát triển thành phố Nam Định hiện đại, đồng bộ, có bản sắc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII ( tháng 9-2020) đã đề ra mục tiêu: mở rộng không gian đô thị, thu hút đầu tư 3-4 khu đô thị mới hiện đại;  tăng cường kết nối khu vực nội thành ra phía Nam, Tây Bắc, Tây Nam. Khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên đường Nam sông Đào, đại lộ Thiên Trường. Phát triển đặc trưng và bản sắc của thành phố Nam Định như Văn hóa Trần, truyền thống đất học, không gian khu phố cổ, Nhà máy Dệt cũ, làng trồng hoa, cây cảnh... Triển khai thực hiện hiệu quả các hợp phần của Đề án xây dựng đô thị thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tập trung xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, chuyển đổi số ở một số lĩnh vực trọng điểm, lắp đặt hệ thống camera giám sát và quản lý đô thị. Đẩy nhanh tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm như: cầu Song Hào qua sông Đào và đường trục Nam thành phố, khu đô thị mới phía Nam sông Đào, khu đô thị Mỹ Trung, Khu Trung tâm lễ hội thuộc dự án Văn hóa Trần, Bệnh viện đa khoa 700 giường, Khu xử lý rác thải và nhà máy điện rác tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc; xây dựng mới Trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Nam Định tại Khu đô thị Thống Nhất; xây dựng mới trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong….

Trải qua 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, xây dựng thành phố trên các mặt, hiện nay kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 74.641 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 đạt 43.697 tỷ đồng, chiếm 30% toàn tỉnh; tổng thu ngân sách nhà nước không ngừng tăng qua các năm, trong 5 năm trở lại đây đạt 11.688 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng, làm thay đổi rõ nét hạ tầng, cảnh quan thành phố, tạo điều kiện phát triển toàn diện các lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội. Văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội tiếp tục được phát huy. Nhiệm vụ quốc phòng, ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm an, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội và cuộc sống bình yên cho nhân dân. Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động. Đời sống, thu nhập, việc làm, văn hóa… của nhân dân không ngừng tăng lên. Nhiều chủ trương lớn nhận được sự đồng thuận cao, nhân dân tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền từ thành phố tới phường, xã.

4. Định hướng phát triển trong thời gian tới

Tháng 6-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng phát triển thành phố. Thường trực Tỉnh ủy đã có thông báo chủ trương đầu tư các công trình lớn trên địa bàn và chủ trương thực hiện mở rộng địa giới hành chính theo quy hoạch. Thành phố Nam Định phát triển theo mô hình đa cực, lấy sông Đào và đô thị trung tâm hiện hữu làm trung tâm mở rộng, kết nối theo hướng Tây Bắc và Đông Nam. Mục tiêu đến năm 2030, thành phố Nam Định  là đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng; là trung tâm 1 số ngành công nghiệp, đào tạo, khoa học, y tế, thể thao, dịch vụ, du lịch cho vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2040, thành phố Nam Định là thành phố lớn, trung tâm công nghiệp, dịch vụ trong cả nước, là đô thị thông minh, thành phố đáng sống  với bản sắc và các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy.

Quá trình 100 năm xây dựng hình thành và phát triển, trải qua nhiều thăng trầm, thành phố Nam Định luôn đồng hành cùng tiến trình chung của lịch sử dân tộc. Với vị thế của một trong những đô thị có bề dày truyền thống, thành phố đã và đang nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đầu tư xây dựng để thành phố phát triển, từng bước trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Nhìn lại chặng đường đã qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở có thêm niềm tin, động lực để nâng cao bản lĩnh, quyết tâm đổi mới và hành động, thu hút và huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; kêu gọi sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp  xây dựng thành phố đúng với vị thế là 1 trong các thành phố đầu tiên của cả nước 100 năm trước, thành phố lớn thứ 3 miền Bắc giai đoạn từ năm 1950- 1980.

                                         THÀNH ỦY- HĐND- UBND TP NAM ĐỊNH

Tin khác

Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định
Giấy phép số 100/GP-TTDT do Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ thông tin truyền thông cấp ngày 14/5/2010
Đơn vị chủ quản: UBND thành phố Nam Định Trụ sở: Số 10 Đường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định
Tel:0228.3849224 - Fax: 0228.3831922 - Email: tpthanhpho@namdinh.gov.vn

Thiết kế VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang