Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Có hay không cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc?
Lượt xem: 14294

9 tháng đầu năm, thời sự thế giới có 3 vấn đề nóng: 1) những chuyển biến tích cực mở ra cơ hội hòa bình lâu dài tại bán đảo Triều Tiên; 2) Trung Đông vẫn đầy xung đột, bạo lực, bất trắc từ Syria, Apganistan đến Yemen và 3) căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn số 1, số 2 thế giới: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ( Mỹ) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung).

Ban Tuyên giáo Thành ủy tổng hợp, phân tích nội dung thứ 3 để cán bộ, đảng viên, nhân dân có thêm hiểu biết, nâng cao nhận thức, phục vụ công tác.

1-       Khái quát chung:

Thương mại là 1 hoạt động kinh tế,  trao đổi hàng hóa giữa cá nhân, doanh nghiệp hay quốc gia với nhau dưới hình thức trực tiếp ( hàng đổi hàng) hay gián tiếp ( vật trung gian là đồng tiền), theo nguyên tắc đồng thuận, ngang giá, các bên đều có lợi.

Thương mại xuất hiện hàng ngàn năm nay cùng sự xuất hiện của các hình thức Nhà nước sơ khai đầu tiên. Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, thương mại là hoạt động kinh tế chủ yếu của hơn 220 nền kinh tế trên thế giới với quy mô, mức độ, sự lan tỏa và liên kết ngày càng sâu rộng. Thương mại đã trở thành 1 trong các yếu tố chính đánh giá sự phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của 1 quốc gia.

Cùng với sự phục hồi kinh tế thế giới sau giai đoạn suy thoái kéo dài 2008-2011, năm 2017 tổng giá trị thương mại toàn cầu đạt khoảng 17.230 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2016. Việt Nam chúng ta là 1 trong các nước có tốc độ tăng giá trị thương mại cao nhất với tổng giá trị đạt xấp xỉ 425 tỷ USD ( xuất khẩu 213,8 tỷ , nhập khẩu 211,1 tỷ, thặng dư 2,7 tỷ), qua đó trở thành nền kinh tế có độ mở cao ( được tính khi tổng giá trị thương mại> tổng GDP).

2-       Có hay không cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung?

Năm 2017, Mỹ- nền kinh tế số 1 TG với GDP danh nghĩa 19.970 tỷ USD, chịu thâm hụt thương mại với các nền kinh tế có quan hệ thương mại gần 800 tỷ USD ( Mỹ xuất khẩu 1.512 tỷ USD, nhập khẩu 2.308  tỷ USD); trong đó chiếm đa số- 375 tỷ USD từ thâm hụt thương mại với Trung Quốc- nền kinh tế số 2 TG, GDP danh nghĩa 12.132 tỷ USD. Cụ thể là Mỹ xuất hàng hóa, dịch vụ sang Trung Quốc 131,7 tỷ USD trong khi Trung Quốc xuất sang Mỹ 506,8 tỷ USD.

Quan điểm nhất quán của Tổng thống Mỹ Donal Trump từ khi tranh cử đến khi cầm quyền 2 năm 8 tháng qua là cuộc chơi kinh tế, thương mại của Mỹ với đồng minh, đối tác phải công bằng, nước Mỹ với vị thế siêu cường không thể chịu lép vế, thiệt thòi về thương mại. Chính vì thế, từ tháng 4/2017, Mỹ đã thực hiện các bước đi giành lại quyền công bằng thương mại, chủ yếu với Trung Quốc. 1 năm 4 tháng qua, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã gần đạt đỉnh khi Mỹ liên tiếp đưa ra các biện pháp tăng thuế, hạn chế hạn ngạch hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ và Trung Quốc cũng đáp trả tương ứng. 2 bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc cấp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhưng hướng giải quyết vẫn bế tắc.

Dự báo, nếu chiến tranh thương mại Mỹ- Trung diễn ra, kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại khoảng 430-450 tỷ USD trong năm 2018 và gia tăng trong các năm tiếp theo. Các đối tác thương mại của 2 ông lớn này sẽ thiệt hại hàng năm từ 2- 10 % GDP tùy theo mức độ phụ thuộc, trong đó Việt Nam chúng ta có thể thiệt hại tới 3% GDP ( khoảng gần 9 tỷ USD) trong năm 2018, nếu GDP năm nay tăng trưởng 6,7%, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 239 tỷ USD.

Hiện nay, các nhà kinh tế hàng đầu TG và VN chia làm 2 quan điểm: 1) khó có khả năng xẩy ra chiến tranh thương mại Mỹ- Trung do Mỹ và Trung phụ thuộc với nhau rất lớn về kinh tế, thương mại; trong đó Trung cần Mỹ hơn do những yếu kém của nền kinh tế sau hơn 20 năm tăng trưởng nóng đã phát tác ( như nợ công cao, bong bóng bất động sản, ô nhiễm môi trường trầm trọng, phân hóa giầu nghèo gay gắt...), nên khả năng cao đến cuối năm 2018 và sang đầu năm 2019 Trung sẽ từng bước nhượng bộ Mỹ; 2) chiến tranh thương mại Mỹ- Trung nổ ra cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 do Mỹ quyết chơi đến cùng vì có lợi thế của nền kinh tế số 1 TG, có độ bền vững, an toàn cao hơn hẳn kinh tế Trung Quốc và sâu xa hơn, để ngăn chặn sự vươn lên của Trung Quốc về kinh tế, chính trị, đe dọa vị thế siêu cường của Mỹ.

3-       Tác động và chính sách của Việt Nam chúng ta

Là nền kinh tế đang phát triển, có quan hệ thương mại với 223 quốc gia, vùng lãnh thổ, có độ mở về kinh tế rất cao, chúng ta khó tránh khỏi những tổn thất nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài hay nghiêm trọng hơn, xẩy ra chiến tranh thương mại. Chính phủ đã và đang tập trung các giải pháp ổn định, phát triển kinh tế, giảm thiểu tác động xấu từ kinh tế TG theo tinh thần các Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng đã ban hành. 3 nhóm giải pháp cơ bản là:

1) Nhận thức và điều hành đúng nền kinh tế hàng hóa, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự định hướng, điều chỉnh phù hợp của Nhà nước. Ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài song hành cùng phát huy nguồn lực đầu tư trong nước. Nhanh chóng tiếp cận và chủ động bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ổn định nợ công và kiềm chế lạm phát mức phù hợp. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 6,7% trở lên, quy mô nền kinh tế ( GDP) đạt xấp xỉ 240 tỷ USD.

2) Tiếp tục gia tăng giá trị xuất khẩu những hàng hóa có thế mạnh, phân bổ hợp lý ra các thị trường, tránh phụ thuộc vào các thị trường lớn. Có biện pháp cụ thể nhập khẩu những dịch vụ, hàng hóa phù hợp, cần thiết cho nền kinh tế. Duy trì tốt thặng dư thương mại từ 3-5 tỷ USD/năm. Đầu tư, nâng tầm các mặt hàng thương hiệu Việt ra châu lục, TG, nhất là hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước. Thực hiện mạnh hơn phong trào khởi nghiệp, tư duy mới, sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam.

3) Quyết liệt thực hiện Chính phủ “liêm chính, sáng tạo, hành động, vì nhân dân phục vụ” từ Trung ương đến cấp xã. Nâng cao trách nhiệm công vụ, làm việc đổi mới, có tư duy phản biện, có trách nhiệm giải trình những vấn đề đất nước, nhân dân đòi hỏi; gương mẫu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII; có nhận thức và hiểu đúng những vấn đề lớn của TG và đất nước đối với lãnh đạo, công chức từ Bộ, Ngành đến Tỉnh, Huyện, Xã.

                                                                 Nguyễn Minh Thắng- Trưởng ban Tuyên giáo




Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định
Giấy phép số 100/GP-TTDT do Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ thông tin truyền thông cấp ngày 14/5/2010
Đơn vị chủ quản: UBND thành phố Nam Định Trụ sở: Số 10 Đường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định
Tel:0228.3849224 - Fax: 0228.3831922 - Email: tpthanhpho@namdinh.gov.vn

Thiết kế VNPT Nam Định


Chung nhan Tin Nhiem Mang